Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chuyện về người phát triển bài thuốc gia truyền Ama Kông

Lê Hường - 08:14, 28/10/2022

Ngoài lưu giữ, phát triển bài thuốc gia truyền Ama Kông và nhân giống nhiều cây thuốc quý, thầy thuốc Khăm Phết Lào, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk còn có tấm lòng lương thiện, chia sẻ khó khăn với người nghèo. Đến nay, ông đã xây dựng hàng chục căn nhà cho những gia đình đồng bào DTTS nghèo, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn chữa bệnh, vươn lên phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ nhiều suất học bổng cho học sinh DTTS.

Chung tay phòng chống dịch, ông Khăm Phết Lào tặng gạo cho hai buôn đồng bào DTTS xã Krông Na (Buôn Đôn) và phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột)
Chung tay phòng chống dịch, ông Khăm Phết Lào tặng gạo cho hai buôn đồng bào DTTS xã Krông Na (Buôn Đôn) và phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột)

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Ngôi nhà mới của gia đình bà H’Khun được xây sát bên căn nhà gỗ sập xệ, dột nát mà gia đình bà sống bấy lâu nay. Ngồi trong căn nhà khang trang, kiên cố bà H’Khun xúc động bảo: Mơ ước lớn nhất đời của đôi vợ chồng mình là có ngôi nhà đàng hoàng tránh mưa, tránh nắng. Hai vợ chồng mình sức khỏe yếu, làm chẳng đủ ăn nên chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có một căn nhà đàng hoàng để ở. Ước mơ ấy đã được thầy thuốc Khăm Phết Lào thực hiện cho rồi, gia đình mình biết ơn nhiều lắm.

Gia đình bà H’Khun Êban ở Buôn Trí thuộc diện hộ nghèo có thâm niên ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Gia đình bà chỉ có 1 sào lúa một vụ nên mọi chi phí trang trải trong gia đình đều trông chờ hết vào đồng công làm thuê. Tuy nhiên, sức khỏe hai vợ chồng không tốt, việc làm không đều nên cuộc sống khó khăn chồng chất. Quanh năm làm thuê, làm mướn, lam lũ chẳng đủ ăn, cô con gái duy nhất năm nay 18 tuổi cũng phải bỏ dở việc học từ năm lớp 9. Căn nhà cũ hư hỏng nặng, mưa xuống nước lênh láng khắp sàn, mỗi khi có gió chỉ sợ nhà bay mất mái còn không có tiền sửa, nên việc xây một căn nhà có thể yên tâm ở là ước mơ xa xỉ với vợ chồng bà.

Ông Y Thông Khăm, nguyên Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết: Sinh sống, công tác lâu năm ở địa phương, tôi hiểu rõ cảnh nghèo, cảnh khổ của từng hộ dân vùng đất biên giới này. Hoàn cảnh gia đình bà H’Khun khá đặc biệt. Chồng bà thần kinh bất ổn, sức khỏe yếu, bản thân bà cũng đau ốm liên miên. Sức khỏe yếu lại không biết đi xe, hai vợ chồng bà chủ yếu làm công cho hàng xóm, quanh khu vực, đồng công cũng thấp. Mảnh đất này và căn nhà gỗ cũ được Nhà nước hỗ trợ vợ chồng H’Khun theo Chương trình 134 gần 20 năm trước, nay đã xuống cấp giờ được tặng nhà thế này, họ yên tâm lắm rồi.

Trên các vách nhà sàn truyền thống của gia đình ông Khăm Phết Lào treo kín bằng khen, giấy chứng nhận thương hiệu và lời cảm ơn từ các chương trình thiện nguyện
Trên các vách nhà sàn truyền thống của gia đình ông Khăm Phết Lào treo kín bằng khen, giấy chứng nhận thương hiệu và lời cảm ơn từ các chương trình thiện nguyện

Trong số hàng chục hộ nghèo được thầy thuốc Khăm Phết Lào tặng nhà tình nghĩa, gia đình chị H’Bêl Niê (SN 1995) ở buôn Krăm, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar là tình cờ và bất ngờ nhất. Vợ chồng chị lấy nhau, bố mẹ cho mảnh đất đủ để làm cái lều nhỏ chừng hơn chục mét vuông là tài sản duy nhất. Không có nương rẫy sản xuất, mọi trang trải đều từ tiền công đi làm thuê của hai vợ chồng. 5 con người sống trong gian nhà chật chội, gian bếp nền đất, chỉ có mấy miếng tôn cũ che lại.

Chị H’Bêl Niê kể: Một lần đi làm thuê, chồng mình gặp và làm công cho con trai thầy thuốc Khăm Phết Lào và thật thà chia sẻ hoàn cảnh gia đình. Nghe xong câu chuyện, ông Khăm Phết xuống nhà thăm nom. Đợt đó, trời mưa liên tục, bếp dột nước lênh láng, ướt không có chỗ nấu ăn, ông đã đi mua bếp, bình ga, nồi cơm điện và một số vật dụng sinh hoạt khác cho mình. Sau đó, ông hỗ trợ tiền cho mình xây nhà. “Đây không chỉ là món quà quý giá nhất về vật chất mà còn nặng tình nghĩa đối với vợ chồng mình. Giờ mình có nhà ở ổn định, vợ chồng mình yên tâm đi làm nuôi con rồi. Đó thật sự là một may mắn!”, chị H’Bêl nghẹn nghèo

Nhiều năm hoạt động từ thiện, thầy thuốc Khăm Phết Lào không nhớ chính xác mình đã làm bao nhiêu căn nhà hỗ trợ những gia đình khó khăn. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ông đã trao 2 căn nhà cho hai hộ đồng bào dân tộc Ê Đê ở hai huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

 Được ông Khăm Phết Lào tặng nhà tình nghĩa, một gia đình khó khăn ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk ổn định cuộc sống
Được ông Khăm Phết Lào tặng nhà tình nghĩa, một gia đình khó khăn ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk ổn định cuộc sống

Tấm lòng một lương y

Không chỉ tặng nhà tình nghĩa, những năm qua, thầy thuốc Khăm Phết Lào còn đồng hành trong các chương trình hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn chữa bệnh, phát triển kinh tế hay như đợt dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, gia đình ông đã tặng nhiều tấn gạo cho bà con vùng dịch.

Các vách tường ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình thầy thuốc Khăm Phết Lào ở Buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột treo kín Bằng khen, cúp Vàng, tượng Vàng, ảnh chụp với các vị lãnh đạo, hàng trăm giấy chứng nhận thương hiệu và lời cảm ơn từ các chương trình thiện nguyện. Ông không chỉ làm từ thiện khắp trong tỉnh mà ra tận Thái Bình hỗ trợ người nghèo, về Quảng Nam xây nhà cho 4 bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Ông kể: Từ đời ông nội, bố tôi làm những việc giúp người, giúp đỡ người khó khăn. Làm từ thiện là truyền thống mấy đời của gia đình tôi, ai nghèo, ai khó có thể hỗ trợ được là tôi giúp bằng cả tấm lòng, trái tim của mình. Tôi được hưởng lộc từ nghề thuốc, từ tiền bán thuốc tôi lấy ra chia sẻ với người khó khăn. Những người được tôi hỗ trợ, họ có duyên hưởng lộc của tôi.

Thu nhập chính của gia đình Khăm Phết Lào từ làm rẫy và làm thuốc. Trong đó, làm thuốc là chủ lực bởi ông là người thừa kế bài thuốc gia truyền nổi tiếng của cha, ông để lại. Tuy nhiên, ông không mở rộng sản xuất và chỉ bán thuốc tại nhà nên nguồn thu cũng không lớn.

Mặc dù vậy, ông luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Nhiều lúc thấy người ta khổ quá, túng thiếu quá ông còn vay ngân hàng, thậm chí vay “nóng” để giúp người nghèo xây, sửa nhà, ổn định nơi ở. Bởi ông tâm niệm, “nghề thầy thuốc là giúp đời, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho những người xung quanh. Giúp người nghèo có cuộc sống tốt hơn để họ có niềm tin làm ăn chân chính, vươn lên bằng sức mình”, ông Khăm Phết Lào chia sẻ.

Để hỗ trợ đúng đối tượng, cho người xứng đáng, mỗi khi nhận thông tin người cần hỗ trợ, đích thân ông phải đi khảo sát rồi tùy theo hoàn cảnh để hỗ trợ cho phù hợp. Ông đặt mục tiêu cố gắng mỗi năm trao ít nhất 1 - 2 căn nhà cho người nghèo và coi đó là trách nhiệm của một thầy thuốc, người thành đạt phải có cống hiến, giúp đỡ cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.