Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chuyện ở Trạm Y tế Glar

PV - 14:43, 27/02/2019

Vợ chồng thầy thuốc Nay Blum và H’Nơn, công tác tại Trạm Y tế xã Glar, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) được ví như cánh chim không mỏi giữa đại ngàn Tây Nguyên. Gần 30 năm gắn bó với ngành Y, họ chung một ước nguyện là cứu giúp, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng sâu.

Vợ chồng bác sĩ Nay Blum và H’Nơn. Vợ chồng bác sĩ Nay Blum và H’Nơn.

Góp phần xóa hủ tục lạc hậu

Bác sĩ Blum tâm sự: Lúc ông khoảng 10 tuổi, ông đã ám ảnh với những cái chết vì dịch bệnh ở Tây Nguyên liên tục xảy ra nên quyết tâm phải theo nghề thầy thuốc.

Tốt nghiệp Trung cấp Y tế Gia Lai đầu năm 1991, anh quyết định về với các buôn vùng sâu, vùng xa tình nguyện làm việc không lương để giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào.

Khi ấy, vào thời điểm mùa mưa, dịch tả và sốt rét hoành hành khắp 5 xã ven sông, suối của huyện Đăk Đoa, Blum đeo trên người đủ thứ từ bạt ngủ rừng, cơm nắm, rau luộc, thuốc men đến dụng cụ khám bệnh… đi thăm khám và tiêm kháng sinh cho hàng trăm người dân từ xã này sang xã khác. Thương sự hy sinh vô điều kiện của Blum, H’Nơn đồng ý về làm vợ Blum để cùng thực hiện khát vọng đi khắp buôn sâu chữa bệnh cứu người.

Mùa mưa những năm 1992-1994 xảy ra dịch tả tràn lan. Vợ chồng Blum phải triền miên ở cùng, ăn cùng để vận động không ăn đồ sống, không sinh hoạt cạnh chuồng trại chăn nuôi. Vậy nhưng, còn một vấn đề nan giải đó là hủ tục chôn sống trẻ con theo mẹ. Đang lúc trăn trở tìm cách xóa bỏ hủ này thì vào một chiều nắng cháy sạm da, người đàn ông tóc nhuốm gió sương từ xã Hnol xộc đến nhà Blum hớt hải: “H’Nơn, Blum à, vợ tao đẻ non, máu tuôn ra nhiều lắm, đang thoi thóp. Nhanh cứu với!”.

Đường đến nhà sản phụ dài 20km, lởm chởm đá. Xác định chỉ có thể chạy bộ nên vợ chồng Blum vội vàng gửi đứa con đầu lòng mới hơn 3 tuổi cho người quen rồi bọc lớp cao su dày vào chân, lao đi. Đến nơi, trời đã tối mịt. Nhìn sản phụ toàn thân tím tái, băng huyết, máu đẫm chăn chiếu, mạch đã ngừng đập, vợ chồng H’Nơn cố cầm máu, hô hấp nhưng không kịp, sản phụ trút hơi thở cuối cùng. Lúc đó, dân làng kéo đến, đốt đuốc vây kín căn nhà đòi chôn sống đứa trẻ, vợ chồng bác sĩ Nay Blum tha thiết xin già làng và bà con để đứa trẻ ở lại và xin được nhận làm con nuôi của mình.

Từ sự việc này, nhận thức của đồng bào đã dần thay đổi, nhiều làng đã đưa vào hương ước quy định phải loại bỏ tục chôn sống trẻ con theo mẹ, đồng thời quán triệt đến các buôn làng của mình: nếu người mẹ không may chết sau sinh thì phải đưa đứa trẻ đến cơ sở y tế, đến bác sĩ.

Bác sĩ Nay Blum tận tụy thăm khám bệnh cho bà con. Bác sĩ Nay Blum tận tụy thăm khám bệnh cho bà con.

Vì sức khỏe của đồng bào

Sau nhiều năm làm nghề y giúp đỡ bà con ở vùng sâu, vùng xa, năm 1996 Nhà nước mới có cơ chế xếp lương cho nhân viên y tế tuyến xã. Năm 1997, Blum được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Glar, còn H’Nơn làm hộ sinh cho đến nay.

Vừa chữa bệnh cho Nhân dân các buôn, vợ chồng Blum-H’Nơn còn cùng nhau vận động, tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức cho bà con về cách tự chăm sóc sức khỏe, thái độ quan tâm, chăm sóc, không kỳ thị, xa lánh những người bị mắc các bệnh hiểm nghèo.

Từ năm 2001-2006, Nay Blum được cấp trên tạo điều kiện cho đi học bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Dược Huế. Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Blum lại trở về trạm sát cánh cùng vợ cứu chữa cho người dân. Bác sĩ Blum chia sẻ: Trong thời gian đi học, mỗi kỳ nghỉ mấy tháng, mình lại tranh thủ về trạm để truyền đạt các kiến thức cho các nhân viên trong trạm. Ngày thì làm ở trạm, tối đi đến các buôn, có hôm khuya về còn tranh thủ trồng rau để bán kiếm tiền nuôi 4 đứa con nuôi và 1 đứa con ruột khôn lớn...

Nhờ có sự tận tâm, nhiệt huyết của vợ chồng thầy thuốc Nay Blum và H’Nơn, Trạm Y tế xã Glar luôn vươn lên trởi thành đơn vị tiêu biểu của huyện trong mọi hoạt động. Trạm đã vinh dự được đón nhiều lãnh đạo tỉnh và trung ương đến thăm, biểu dương và khen ngợi.

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.