Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện những Youtuber triệu like ở bản làng

Giang Lam - 12:27, 04/04/2022

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao". Đó là quan niệm trước đây, còn hiện nay nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn từ bỏ "chốn lao xao" để tìm về "nơi vắng vẻ" ghi lại những trải nghiệm đầy thú vị giữa thiên nhiên bao la, hùng vĩ, cảm nhận những giá trị truyền thống của cha ông... để truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng thông qua kênh Youtube hoặc MV ca nhạc.

Chỉ sau 6 tháng, chủ nhân của kênh “Đôi đũa tre” đã được Youtube trao nút Bạc.
Chỉ sau 6 tháng, chủ nhân của kênh “Đôi đũa tre” đã được Youtube trao nút Bạc.

Những Youtuber vùng cao

Khoảng hai năm gần đây, ở Tuyên Quang xuất hiện khá nhiều Youtuber làm nội dung về du lịch, ẩm thực trong đó có những Youtuber người địa phương… Có nhiều kênh nổi tiếng thu hút hàng nghìn lượt đăng ký theo dõi như: “Anh em miền núi”, “Đôi đũa tre”, “Đông Bắc quê tôi”, “Giấc mơ xanh”… Với những video thô sơ, giản dị, chân thực, thu hút nhiều người xem, chia sẻ, bình luận.

Hành trình “du mục” của vợ chồng chị Lưu Thị Hoàng Yến, Nguyễn Văn Hợp, thôn Chanh 1, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn luôn được hàng nghìn người theo dõi qua kênh Youtube “Đôi đũa tre”. Hai vợ chồng chị đã có hàng năm trời trải nghiệm sống trên các đồi núi, quay lại video phản ánh chân thực cuộc sống nơi đây.

Các video tiêu biểu thu hút nhiều lượt xem như “Sinh tồn trong rừng”, “Bắt được cá khủng”, “Ghế võng”, “Sống ở căn nhà mới giữa đại ngàn”, “Sáng tạo cách làm cần câu kiểu mới”… Hầu hết các video đều đạt đến trên 50 nghìn lượt xem. Trong đó có video “Ghế võng” kỷ lục với gần 5 triệu lượt xem. Điều đặc biệt chỉ sau 6 tháng, chủ nhân của kênh “Đôi đũa tre” đã được Youtube trao nút Bạc. Hiện hơn 200.000 đăng ký theo dõi kênh Youtube của anh chị.

Được biết, những ngày đầu tập làm video, chị Yến còn ngại ngùng không dám xuất hiện trước ống kính, cách nói chuyện chưa lưu loát, khá e dè và bí từ. Hơn nữa hai vợ chồng chị đều "mù tịt" công nghệ nên việc bắt nhịp để có video hấp dẫn là cả một chặng đường gian nan.

Chị Yến chia sẻ, vợ chồng chị là nông dân thực thụ, ban đầu quay video với mục đích giới thiệu món ăn tự tay chị làm như lạp sườn, măng khô, thịt sấy... Những video đầu tay nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn bè, người thân, chị càng có động lực để thực hiện các video tiếp theo. Vậy là, hai vợ chồng quyết định dấn thân làm youtuber chuyên nghiệp.

Từ việc cứ gặp cái gì cũng đưa máy điện thoại quay dần dà anh chị đã tích cực đọc sách, xem video rồi tự mày mò cách quay, góc quay đẹp mắt. Tuy nhiên, dù muốn biến tấu như thế nào thì tính chân thực và sự mộc mạc vẫn luôn hiện hữu trong mỗi video, đó chính là bản sắc riêng thu hút khán giả. Giờ đây, hai vợ chồng chị đã trang bị đầy đủ máy quay, máy tính, phần mềm dựng video và sử dụng một cách thành thạo, chuyên nghiệp. Khi được xem những video của kênh "Đôi đũa tre" nhiều người trầm trồ, thán phục và yêu thích cuộc sống hoang sơ, giản dị, bình yên nơi miền sơn cước.

Vợ chồng chị Yến, anh Hợp thực hiện quay video kênh Đôi đũa tre
Vợ chồng chị Yến, anh Hợp thực hiện quay video kênh Đôi đũa tre

Chị Nguyễn Ngọc Ánh Trang, TP. Hòa Bình (Hòa Bình) chia sẻ, những ngày tháng bí bách vì không được đi du lịch, đến những vùng đất mới lạ nhưng khi được xem những video của kênh “Đôi đũa tre”, chị được thỏa mãn cảm xúc trải nghiệm thực tế vùng đất, phong tục mới lạ.

Với tên gọi khá hấp dẫn “Tuyên Quang miền gái đẹp”, đều đặn ra video hàng tuần, kênh đã thu hút được nhiều lượt xem và có gần 40 nghìn người đăng ký theo dõi. Chủ nhân của kênh là anh Hà Phúc Hiện, cán bộ xã Tri Phú (Chiêm Hóa). Anh Hiện chia sẻ, xuất phát từ tình yêu văn hóa của đồng bào mình, anh mong muốn được chuyển tải một cách chân thực nếp sống, nếp sinh hoạt đồng bào nơi đây. Năm 2019, anh bắt đầu “một mình một ngựa” chinh chiến đến các bản làng để làm video clip. Đó là những video thể hiện vẻ đẹp cô gái miền sơn cước, món ăn ngon đặc sắc của người dân bản địa, phong tục tập quán… Các video nhận được nhiều lượt xem như “Hái chè cùng em gái xinh dân tộc Pà Thẻn”, “Bữa cơm trong rừng với món thịt gà lam ống nứa”, “Lễ ăn hỏi của dân tộc Tày”, “Khai mạc chợ phiên Lâm Bình”, “Hát Then Tàng mừa Thâng”...

Người xem cũng rất xúc động khi được nghe câu chuyện kể về lịch sử vùng đất, văn hóa, tâm tư của các chàng trai, cô gái vùng cao. Đặc biệt là cách dẫn dắt video chất phác, hóm hỉnh của chàng youtuber Hà Phúc Hiện. Anh tâm sự, anh khát khao được lan tỏa tinh thần, sự ham tìm hiểu văn hóa dân tộc mình cho các bạn trẻ, để dù xã hội phát triển và hòa nhập đến đâu thì văn hóa người miền núi vẫn lấp lánh như viên ngọc quý và là niềm tự hào của mỗi người con nơi đây.

Video ca nhạc “dậy sóng”

Xu hướng quảng bá điểm đến thông qua các video clip hiện đang rất thịnh hành, tạo sức hút lớn với công chúng. Gần đây, các bạn trẻ Tuyên Quang tự quay một số MV, phim ca nhạc được lấy bối cảnh quay tại bản làng, địa điểm du lịch tại Tuyên Quang. Thông qua các tác phẩm này, những cảnh đẹp, phong tục tập quán, ẩm thực, sản phẩm du lịch… của xứ Tuyên được truyền tải đến người xem một cách chân thực, sống động và ấn tượng nhất.

Từ đầu năm 2021, nhiều người biết đến kênh Youtuber A Lùa Ba của nhóm bạn trẻ người Tày Lâm Bình. Hàng tháng, A Lùa Ba cho ra đời những video công phu, chuẩn bị kỹ càng từ hình ảnh đến khâu kịch bản. Bên cạnh video chuyển tải các nét sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, phong tục của đồng bào dân tộc Tày thì nhóm còn làm video ca nhạc khá chuyên nghiệp.

Các MV ca nhạc “Nhà em ở lưng đồi”, “Chín bậc núi rừng”, “Câu then hội xuân”… đã làm “dậy sóng” cộng đồng mạng với hàng trăm lượt share (chia sẻ), like (thích) bởi lối diễn xuất rất tự nhiên, kết hợp với những cảnh quay đẹp, bao la, hùng vĩ ở Lâm Bình. 

Anh Chẩu Văn Khảm, nhóm trưởng Nhóm A Lùa Ba cho biết, với mong muốn chuyển tải người xem hiểu hơn về Lâm Bình và thấy Lâm Bình ở mọi góc đẹp nhất. Có những MV phải quay 4,5 ngày mới xong, ê -kip đã di chuyển liên tục để chuyển tải được những khung hình đẹp và đặc sắc nhất cho khán giả.

Bạn Võ Như Ngọc là hướng dẫn viên tại Công ty TNHH du lịch và dịch vụ Mặt Trời Đỏ (Hà Nội) chia sẻ: “Ngọc có 6 năm dẫn tua cho du khách trong và ngoài nước. Ngọc được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp khắp bốn phương thế nhưng khi xem MV “Nhà em ở lưng đồi” của các bạn trẻ người Tày khiến Ngọc chỉ muốn xách ba lô lên và đi. Dự kiến năm nay mình sẽ cùng bạn bè đến Tuyên Quang để trải nghiệm”.

Một cảnh quay trong MV
Một cảnh quay trong MV

“Âm nhạc có mối liên kết kỳ diệu với du lịch. Qua âm nhạc, người xem không chỉ lắng lòng với những ca từ mà còn với cảnh đẹp và niềm tự hào về quê hương”. Đó là những chia sẻ của bạn trẻ 9x Bùi Xuân Trường (TP Tuyên Quang), chủ nhân nhiều ca khúc Rap hiện đại, quảng bá mảnh đất quê hương miền núi xứ Tuyên.

Ca khúc nhạc Rap “Tuyên Quang miền gái đẹp”, “Nhà em ở lưng đồi”, “A lối”, “Trung thu Tuyên Quang”… đã thực sự chạm đến trái tim người nghe, đặc biệt là các bạn trẻ. Với lời ca giản dị, gần gũi, thân thuộc của đồng bào miền núi hòa vào âm thanh hiện đại đã tạo nên bản nhạc hấp dẫn, độc đáo.

Trường chia sẻ, cũng như các bạn trẻ bây giờ yêu thích âm nhạc hiện đại, em đã kết nối tình yêu quê hương và tình yêu nhạc Rap, Hiphop. Tất cả đó là tâm ý của em với mong muốn “âm nhạc truyền cảm hứng cho mọi người đến với Tuyên Quang".

Bằng tình yêu và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, những bạn trẻ với những cách làm riêng đã trở thành sứ giả kết nối bạn bè khắp bốn phương tìm về với mảnh đất Tuyên Quang.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.