Xích lại gần nhau hơnSống gần trọn thế kỷ ở làng Le, già làng A Ren bộc bạch: Từ xưa kia đến giờ, người làng Le giữ được rất nhiều nét đặc trưng văn hóa tốt đẹp của mình, lại nằm lọt thỏm giữa các dân tộc anh em như: người Giẻ-triêng, Jrai, Ba Na. Để có thể gần gũi hơn, dễ tiếp xúc hơn, người Rơ Măm đã về thỏa ước với nhau là cùng đi học tiếng các dân tộc anh em quanh mình. Đầu tiên đó là những già làng ở làng Le sang các làng của người Ba Na, Giẻ-triêng học tiếng của họ sau đó về truyền thụ lại cho cư dân ở làng Rơ Măm. Chẳng mấy chốc cả làng Rơ Mâm nói thạo ngôn ngữ của các dân tộc khác quanh mình.
Anh A Hảo, một trong những thanh niên làm kinh tế giỏi ở làng Le tâm tình: Mình đi sang các xã khác, huyện khác chơi nói thành thạo tiếng của họ nên họ rất thích, giống như cùng một dân tộc với nhau vậy. Bởi thế nên mỗi lần dân tộc Giẻ-triêng tổ chức các lễ hội văn hóa của bản làng mình đều mời làng Le đến dự. Người làng Le hát được cả dân ca của các dân tộc khác.
Không chỉ học ngôn ngữ của cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn Tây Nguyên mà thỉnh thoảng ra ngoài địa bàn huyện để giao thương hàng hóa với người Lào ở biên giới Sa Thầy và ngã ba Đông Dương, những người làng Le học thêm ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Lào. Ông A Ren bảo: Từ thời thanh niên mình đã thồ các đặc sản của núi rừng Tây Nguyên lên biên giới bán. Những thương gia người Lào họ nói thạo tiếng Anh, mình thấy hay nên học theo và về truyền thụ lại cho người làng. Sau này các lao động chính, ai thạo tiếng Anh, tiếng Lào đều được cử đi giao thương hàng hóa hết. Người làng Le luôn luôn mến khách và quan niệm thấy cái gì hay của ai, của dân tộc nào thì học về cho mình.
Mở rộng giao lưu và trao đổi hàng hóaBên cạnh động lực muốn xích lại gần hơn với các dân tộc anh em thì người làng Le cố gắng học thêm nhiều ngôn ngữ khác để mở rộng giao lưu. Ông A Lanh, Đội trưởng đội văn nghệ của làng Le cho biết: Trong nhiều lần tham gia các cuộc giao lưu hữu nghị giữa người Việt và người Lào được tổ chức ở Kon Tum, Đội văn nghệ làng Le được mời đi không chỉ hát tiếng Rơ Măm mà còn hát tiếng Lào, nói bằng tiếng Lào nữa nên những người nước bạn rất thích. Có người Lào còn cảm kích cho biết họ thấy người làng Le gần gũi, thân thương như chính người nước họ vậy. Từ đó có bao nhiêu nét đẹp, người Lào đều kể cho người Rơ Măm. Thấy rõ lợi ích tinh thần từ việc thành thạo tiếng Lào nên người làng Le càng tích cực thúc giục thế hệ trẻ từ thiếu niên đến thanh niên tăng cường học tiếng Lào lẫn tiếng Anh.
Ông A Ren tâm tình thêm rằng: Ngoài trỉa lúa, người Rơ Măm ở làng Le rất giỏi đánh cá bằng lưới. Đánh được nhiều họ mang đi cho các dân tộc lân cận, nhiều lần bán sang Lào. Có lịch sử hàng trăm năm sống bên dòng sông Sa Thầy, họ đã tiếp thu cách đánh lưới của các bộ tộc Lào ở bên kia biên giới. Chính vì có khả năng đặc biệt đó, nên mỗi khi người Rơ Măm ở làng Le đi đến các làng khác, dùng chính ngôn ngữ của người làng đó để trò chuyện khiến ai cũng phải phục, và chính nhờ thế họ rất được quý mến. Nhiều bí quyết đánh cá người làng Le có được nhờ các ngư dân ở Lào truyền thụ cho bằng chính tiếng Lào”.
Những đứa trẻ người Rơ Măm khi bắt đầu đi học, thường học chung với nhiều đứa trẻ dân tộc khác như: Kinh, Ba Na, Xơ-đăng, Jrai… Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc, những đứa trẻ người Rơ Măm có thể dễ dàng nói chuyện được với những đứa trẻ dân tộc khác bằng tiếng của người dân tộc mà các em đã giao tiếp. Lên lớp cao hơn chút nữa, những đứa trẻ còn được học tiếng Anh, và bao giờ những đứa trẻ Rơ Măm cũng có khả năng học và nói tiếng Anh tốt hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác bởi hằng ngày những người thân trong gia đình vẫn nhắc nhở các em phải học thêm các ngoại ngữ để sau này còn đi xa ra khỏi buôn làng làm việc.
ĐÔNG HƯNG-THANH THẢO