Có chí thì nên
Tuổi 14 với nước da sạm đen vì nắng gió, Huỳnh Phong Bảo kể, trước đây cha em vừa làm thợ hồ vừa làm nhạc công cho các đám cưới, đám sinh nhật trên địa bàn nên niềm đam mê âm nhạc ngấm vào máu anh em Bảo lúc nào không hay.
Nhưng khi chưa kịp sắm cho anh em Bảo chiếc đàn piano và guita mới như đã hứa thì cha của Bảo đã bị nằm liệt giường sau một vụ tai nạn chấn thương sọ não. Bệnh suy tim của mẹ Bảo cũng trở nặng, lúc đó Bảo mới lên 9 tuổi. Nhiều đêm, nghe cha trở mình trong đau đớn, mẹ thì ôm ngực khóc thầm rấm rức khiến cậu bé cũng canh cánh nỗi lo. Em tự nhủ phải cố gắng, quyết tâm luyện đàn để dùng âm nhạc kiếm tiền nuôi cha mẹ đang bệnh tật.
Được một nhà hảo tâm tặng cho bộ trống, đàn guita và piano mới, từ đó, anh em Bảo đêm ngày say mê luyện đàn, trống. Chỉ mày mò tự học nhưng đến nay, Bảo đã độc tấu, hòa tấu được 1.000 bản nhạc. Các dòng nhạc Pháp và một số nước châu Âu cũng được Bảo chơi thành thục.
Kém anh mình gần 4 tuổi, Huỳnh Đại Phong tự học đàn trên mạng và theo CD hướng dẫn, vậy mà nay đã có thể chơi liên tục được 500 bản nhạc hòa tấu, đặc biệt là những bản nhạc nhẹ, nhạc trữ tình về tình yêu quê hương, đất nước.
Gánh vác gia đình tuổi lên 10
Khi đã đủ tự tin về khả năng âm nhạc của bản thân, anh em Bảo quyết định dùng âm nhạc phục vụ khán giả vào buổi tối và Chủ Nhật để kiếm tiền nuôi cha mẹ. Những ngày đầu, Bảo mời bà con chòm xóm và những chủ quán cà phê, chủ tiệm thuốc, thầy giáo đến nghe hòa tấu, độc tấu và chơi đàn theo yêu cần của khán giả. Những bản nhạc độc tấu, hòa tấu của anh em Bảo đã làm lay động trái tim của bao khán giả có mặt. Thậm chí, có chủ tiệm thuốc Tây nghe xong đêm nhạc hòa tấu đã vô cùng thán phục và cảm động trước tài năng, nghị lực của hai nhạc công nhí, sau đó đã mang thuốc bổ đến tặng cho cha của Bảo.
Cũng từ đó, anh em Bảo nhận được nhiều hơn những lời mời đi phục vụ các hội diễn nghệ thuật quần chúng, đi hòa tấu cho phòng trà, đi phục vụ đám cưới… ngày càng nhiều hơn. Huỳnh Phong Bảo cho biết: những đêm không có sô diễn, lúc nào học chữ không vào, em và Phong lại ra hòa tấu mấy bản nhạc cổ điển. Hòa tấu xong, cảm thấy thư thái, học rất vào. Cha mẹ và hàng xóm nghe cũng rất khoái. Có những hôm trái gió, trở trời, cha đau khắp mình, mẹ xoa bóp, còn chúng em hòa tấu nhạc trữ tình, thấy cha gật gật đầu như dịu bớt cơn đau. Vừa nhận các sô diễn kiếm tiền trang trải cho gia đình nhưng lực học của các em vẫn xếp tốp đầu của trường. Những ngày hè, dịp lễ, có đợt anh em Bảo liên tục được mời đi biểu diễn. Bảo kể, có hôm nhận sô ở phòng trà, đàn đến 24 giờ mà khách vẫn muốn nghe. Có khách còn hỏi, sao em chơi sâu lắng, da diết thế. Kết thúc nhiều buổi diễn, chủ quán và khách còn phụ giúp đưa hai anh em Bảo và về tận nhà. Cảm kích, Bảo lại “biếu” cho khách nghe vài bản hòa tấu nhạc cổ điển rồi mới chịu nghỉ ngơi.
Thắp lên khát vọng
Là nhạc công lâu năm ở Ninh Hòa, anh Trần Văn Tích, Trưởng Ban nhạc Mùa Thu nhận xét: Làm nghề âm nhạc 20 năm nhưng tôi gặp hai em là trường hợp hiếm hoi có năng khiếu đặc biệt. Các em có khả năng nhạy bén cao với giai điệu và tiết tấu, nếu có người đỡ đầu sẽ tiến xa trên con đường nghệ thuật.
Nhiều lần “say lòng” khi nghe những bản nhạc cổ điển mà người học trò đặc biệt của mình đánh, thầy Phạm Đình Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngũ Lão (nơi Bảo đang theo học) cũng mê mẩn. Thầy Lâm chia sẻ: “Chúng tôi rất khâm phục năng khiếu lẫn sự chăm ngoan của Bảo. Tôi từng tập hợp đồng nghiệp, bạn hữu lại để mời các em biểu diễn, ai cũng bất ngờ với tài năng kỳ lạ của các em. Rồi người có nhiều ủng hộ nhiều, có ít ủng hộ ít cho cuộc sống các em vơi bớt đi những khó khăn, nhọc nhằn”.
Trong Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn thị xã Ninh Hòa năm 2017, Bảo đã giành giải Nhất với tiết mục đấu tấu Piano ca khúc “Về quê” và “Thương về miền Trung”. Giờ đây, không chỉ trong tỉnh Khánh Hòa mà nhiều chủ phòng trà ở các tỉnh lân cận như Đăk Lăk, Lâm Đồng… mến tài năng của anh em Bảo đã đến tận nơi mời các em đi diễn trong ngày cuối tuần.
HÀ VĂN ĐẠO