Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chuyện cổ tích trên cao nguyên đá

Thanh Huyền - 10:45, 20/03/2020

Có một câu chuyện đẹp về nghị lực, tình yêu của cặp vợ chồng thanh niên DTTS khuyết tật đã được viết lên ở vùng cao núi đá xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Chàng trai dân tộc Nùng Vương Quốc Trường mắc căn bệnh xương thủy tinh và cô gái Tày Hoàng Thị Vy mắc bệnh rối loạn đông máu đã nắm tay nhau vượt lên số phận, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Vợ chồng Trường - Vy trong khu vực nuôi thỏ của gia đình
Vợ chồng Trường - Vy trong khu vực nuôi thỏ của gia đình

Tình yêu vượt qua số phận

Đã hẹn trước nên khi có khách đến thăm, Trường đã từ khu vườn về nhà sớm để tiếp khách. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đầy bất ngờ, là hình ảnh Vương Quốc Trường di chuyển với hai tay cầm hai cái ghế gỗ, “đi ngồi” sát mặt đất, nhanh nhẹn và khéo léo mà không cần sự trợ giúp của bất kỳ ai.

Trong ngôi nhà trình tường truyền thống, Trường và Vy kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời và sự gặp gỡ của hai số phận. 

Sinh ra ở thôn Bó Lách, trong gia đình có 5 anh chị em, nhưng Trường lại kém may mắn hơn các anh chị. Cha Trường là người dân tộc Nùng, mẹ là người dân tộc Bố Y. Từ 7 - 13 tuổi, Trường có tới 16 lần gãy chân. Thay vì đôi chân lành lặn cha mẹ sinh ra, sau 16 lần gãy xương, chân Trường teo lại, gấp khúc, mất hoàn toàn khả năng đi lại. Sau vài lần gãy xương, em và gia đình mới biết em bị bệnh xương thủy tinh. 

Cùng ngồi tiếp chuyện chúng tôi, bố của Trường là ông Vương Vản Chín, không giấu được cảm xúc ngậm ngùi: “Nó học tốt lắm, nhưng gãy chân nhiều lần quá nên năm lớp 5 phải nghỉ học ở nhà”.

Khi biết mình mắc bệnh xương thủy tinh, phải nghỉ học ở nhà, Trường rất buồn, nhưng không đầu hàng số phận. Trường dùng ghế tập đi, tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ gia đình các công việc vặt. Khi trưởng thành, Trường tự nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau… Với đôi chân tật nguyền, nhưng việc gì Trường cũng có thể tự làm được. Bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời Trường, chính là khi anh quen biết và cưới được cô gái người Tày nhanh nhẹn, hoạt bát, xinh xắn Hoàng Thị Vy về làm vợ. 

“Nhà em ở huyện Bắc Quang, xa lắm, nhưng qua người quen giới thiệu, chúng em biết nhau, nói chuyện thấy hợp rồi thương nhau. Em lành lặn, nhưng lại bị bệnh rối loạn đông máu, nên thương em, anh Trường cũng vất vả nhiều”, Hoàng Thị Vy kể. 

Vy chia sẻ rằng, cứ vài tháng em lại phải xuống Hà Nội chữa bệnh một lần. Mỗi lần cũng mất 10 - 20 ngày. Nhắc đến chuyện sinh con, cả Trường và Vy đượm buồn. Có lẽ bị bệnh như vậy nên Vy khó có con, sau 5 lần thai hỏng, Vy kiệt sức và không có ý định sinh con nữa. Hai vợ chồng tính đến chuyện xin con nuôi. 

Có lẽ, xuất phát từ tình yêu, từ sự cảm thông, chia sẻ nên Vương Quốc Trường và Hoàng Thị Vy đã vững tâm nắm tay nhau vượt lên những thiệt thòi, những thử thách để trở thành cặp đôi làm kinh tế giỏi điển hình ở vùng đất này. 

Gieo mầm xanh trên đá

Trường và Vy nên duyên vợ chồng năm 2012. Thương hoàn cảnh hai vợ chồng, mọi người quyên góp giúp đỡ cho đôi bạn trẻ được 2,5 triệu đồng để lập nghiệp. Từ số tiền này, hai vợ chồng tự mày mò, tìm tòi hướng làm ăn. “Qua đọc báo, em thấy một số nơi nuôi thỏ New Zealand có thu nhập cao, lại phù hợp với sức khỏe và điều kiện của mình, nên hai vợ chồng quyết định đầu tư nuôi thỏ. Chúng em đã nhờ người mua 5 con thỏ cái và 2 con thỏ đực ở Trung tâm Dê thỏ Ba Vì (Hà Nội) về nuôi”, Trường chia sẻ. 

Với sự chăm chỉ, chịu khó, số thỏ cứ thế nhân lên nhanh chóng. Có những lúc cao điểm, đàn thỏ lên tới cả nghìn con. Mỗi tháng vợ chồng Trường bán trung bình 200 con thỏ giống (giá 250.000 - 300.000 đồng/đôi). Thỏ thịt bán ít hơn, giá khoảng 120.000 đồng/kg. Thu nhập vài chục triệu đồng/tháng, thậm chí có những tháng lên đến cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường đối với gia đình Trường. 

Mặc dù bị bệnh, sức khỏe không như bình thường, nhưng Trường và Vy rất nhanh nhẹn nắm bắt thị trường, dùng công nghệ thông tin để quảng bá trên zalo, facebook… nên rất đông khách trong tỉnh và ngoài tỉnh tìm đến mua thỏ. Không chỉ bán thỏ với giá ưu đãi cho những người có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật… Trường còn rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc thỏ. Hễ có ai cần hỏi, Trường đều nhiệt tình chỉ dẫn. Không những nuôi thỏ, vợ chồng Trường Vy còn trồng lúa, trồng rau, mùa nào thức ấy… Không cần phải đi đâu xa bán rau, mà thương lái tìm đến tận nhà để mua. 

Những nỗ lực của Trường được ghi nhận với nhiều giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh. Nhưng đối với Trường, được vinh dự là 1 trong 5 gương mặt tiêu biểu của tỉnh Hà Giang tham dự “Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V - 2018” tại TP. Hồ Chí Minh là phần thưởng cao quý nhất.


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.