Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện cổ tích nơi đại ngàn Trường Sơn

PV - 15:36, 23/07/2018

Bà Hồ Thị Vội, dân tộc Vân Kiều ở bản Tăng Cô, xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã không quản ngại vất vả, ngoài 4 đứa con ruột, bà còn nhận nuôi 11 đứa trẻ mồ côi trưởng thành. Câu chuyện của bà như là chuyện cổ tích của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Nhận nuôi 11 đứa trẻ mồ côi

Tôi đã từng đi, từng gặp nhiều tấm gương điển hình vượt khó để làm nhiều việc có ích cho xã hội. Lần này đặc biệt hơn, sau khi được gặp và trò chuyện với bà Hồ Thị Vội (tên phong tục là Kăn Ling) sống ở xã A Túc, những gì tôi tìm hiểu được về bà có lẽ sẽ khắc cốt ghi tâm về một nghị lực, tấm lòng đong đầy sự nhân ái, nhân văn. Trong ngôi nhà đơn sơ ở bản Tăng Cô, bà đã viết nên một câu chuyện cảm động: một mình lặn lội lao động nuôi thêm 11 người con mồ côi trưởng thành.

Hồ Thị Vôi Bà Hồ Thị Vội (ngồi giữa) và những người con nuôi trong lần sum họp.

Bà mẹ dân tộc Vân Kiều-Hồ Thị Vội sinh ra trong một gia đình nghèo. Vì không được học hành nhiều nên mãi sau này, bà mới được tham gia công tác Đoàn. Sau khi hoàn thành khóa bổ túc văn hóa, bà được cử làm cán bộ xã A Túc từ năm 1986 đến nay. Sau mấy chục năm làm việc, ngoài khoản lương nhận hàng tháng 5 triệu đồng, thu nhập từ 2,5ha rừng bời lời; 2ha trồng sắn, bà đã cùng chồng là ông Hồ Văn Tàng (tên phong tục là Kôn Ling, 58 tuổi) phải cuốc cào, canh tác đến tứa cả máu mới có nguồn thu. Vậy mà, con thì bà cứ nhận… đều đều.

Câu chuyện nhận nuôi những đứa con mồ côi bắt đầu từ năm 1986. Những đứa đầu tiên bà mẹ này nhận nuôi là 3 anh em ruột: Hồ Thị Pưng (SN 1986), Hồ Văn Dành (SN 1984) và Hồ Văn Dưa (SN 1975). Cha mẹ của chúng lần lượt qua đời trong vòng 6 tháng vì một căn bệnh lạ.

Đến năm 1993, 3 anh em ruột nữa là Hồ Văn Thiết (SN 1986), Hồ Thị Tha (SN 1989) và Hồ Thị Thiệp (SN 1990), cùng trú xã A Dơi, mồ côi cha, cũng khăn gói về ở với mẹ Kăn Ling. Thậm chí, đến mẹ của những đứa trẻ này là Hồ Thị Thỉ do bị đau ốm liên miên cũng được bà đã về ở cùng nhà, cưu mang, chạy chữa bệnh.

Năm 2005, mẹ Hồ Thị Vội lại lặn lội qua tận xã Pa Tầng kế bên để đón 3 chị em mồ côi khác tên là Hồ Thị Hà (SN 2000), Hồ Thị Hinh (SN 2002), Hồ Thị Hội (SN 2004) về nhà. Lần gần đây nhất, mẹ Kăn Ling “gia tăng nhân khẩu” của gia đình là vào năm 2014 khi nhận nuôi 2 em Hồ Thị Miệc (SN 2012) và Hồ Thị Muôi (SN 2015), cũng là trẻ mồ côi.

Cuộc sống thăng trầm...

Để những đứa con có miếng ăn, được học hành nên người, bà Vội đã phải làm đủ việc, từ vào rừng khai hoang trồng sắn đến xuống suối mò cua, bắt ốc. Già làng Kôn Huôm (70 tuổi) chứng kiến những thăng trầm cuộc sống của gia đình bà Vội, ông rất nể phục. Ông nói: Ngày xưa, dù khó khăn nhưng dân bản có ngày ăn cơm, có ngày ăn sắn, riêng nhà bà Vội ăn sắn độn cơm hết ngày này sang ngày khác. Thế nhưng gặp những hoàn cảnh éo le là sẵn sàng giúp đỡ. Có thời điểm ở trong nhà có gần hai chục miệng ăn, bữa cơm phải chia làm 2 mâm, mỗi mâm 10 người. Cứ mỗi lần nấu cơm, bà Vội phải đong gần 10 lon gạo, thế mà vẫn không đủ.

Rồi những đứa trẻ lớn lên, cần tìm chồng tìm vợ, đó cũng là lúc bà Vội phải lo bò, dê để đãi dân làng trong tiệc cưới con. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, vậy mà bà vẫn lạc quan lo toàn vẹn.

Nuôi dạy các con nên người

Niềm vui lớn nhất của bà Vội là, ngoài những đứa con nuôi, 4 người con đẻ của bà đều là những “hạt giống đỏ” của địa phương: Hồ Thị Líp (SN 1988), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, nay là giáo viên Trường Tiểu học A Dơi; Hồ Thị Lẻ (SN 1992), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tiểu học Huế, đang là giáo viên tại Trường Tiểu học và THCS A Túc; Hồ Cu Lế (SN 1994), tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Huế, đang là cán bộ dân số xã A Túc; Hồ Thị Tê (SN 1997), đang là sinh viên năm 3, Đại học Kinh tế Huế.

Các con nuôi của bà, nổi bật nhất là Hồ Thị Pưng, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, đang làm giáo viên mầm non ở xã Xi. Các con Hồ Văn Dưa, Hồ Văn Thiết, Hồ Thị Thiệp... dù không học hành cao nhưng đã yên bề gia thất, đang là gương sản xuất giỏi ở địa phương. 6 người con nhỏ còn lại vẫn đang học phổ thông.

Bà Vội vẫn thường nói, bà may mắn vì có những đứa con ngoan khi hầu hết chúng đều chăm học và chưa bao giờ biết đến khái niệm đòi hỏi. Những hy sinh vất vả, bà Vội chẳng dám nhận cho riêng mình mà cho đó là sự nỗ lực của tự thân các con, sự đùm bọc của dân bản và cộng đồng đã tiếp sức cho bà có nghị lực để chăm lo cho các con.

Không những nuôi con giỏi, bà Hồ Thị Vội còn là một cán bộ tốt, cống hiến nhiều công sức trong các hoạt động, tổ chức ở xã A Túc. Từ 1986 đến 2004, bà công tác ở Hội Phụ nữ xã; từ 2004 đến 2011 làm Phó Chủ tịch UBND xã: Hiện nay, bà đang làm Phó Chủ tịch HĐND xã.

Chia tay bà Hồ Thị Vội và núi rừng xã A Túc, chúng tôi cảm thấy nao nao khi hình ảnh bà đang cầm cuốc khuất dần phía núi. Suốt cả cuộc đời, bà sống để cống hiến, làm việc có ích cho đời. Bà Hồ Thị Vội đã viết tiếp những câu chuyện nhân văn giữa đại ngàn của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

PHONG DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.