Về Hạnh Dịch, điều khiến nhiều người thêm vui là các chị em phụ nữ nơi đây vừa tham gia sản xuất, vừa cùng làm dịch vụ du lịch và đảm nhận luôn các hoạt động biểu diễn văn nghệ vào các dịp lễ, Tết và phục vụ du khách rất có hiệu quả.
Với lợi thế có thác Sao Va, lại nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với không gian xanh mát tươi tốt của núi rừng, bản Thái cổ Long Thắng rất có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Hiện nay, cả bản có gần 200 hộ, sinh sống dọc theo suối Huồi Đán và đã có 6 Homestay phục vụ du khách gần xa.
6 cơ sở Homestay này là sự năng động trong cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư của các chị em, kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo các chị em, trước khi chuẩn bị đón đoàn khách ghé thăm, chị em đã họp hội ý, phân công nhiệm vụ tiếp đoàn từ khâu ăn uống, ngủ nghỉ, giao lưu văn nghệ, thăm thú cảnh sắc núi rừng, trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con dân bản… Cách thức hoạt động là cả 6 hộ đều cùng nhau làm từ cung cấp thực phẩm đến biểu diễn văn nghệ và kiêm hướng dẫn viên giúp du khách tham quan thác nước, thăm bản làng.
Chị Lô Thị Tiền, chủ cơ sở Homestay Hà Văn Thủy ở bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch chia sẻ: Mỗi khi có đoàn khách đến thăm, chị em tập trung phục vụ du khách ăn uống, nghỉ ngơi tại địa điểm chính của “công ty” là Homestay Lâm Khang. Nếu “quá tải” thì khách sẽ được phân bổ về các Homestay ở xung quanh.
Theo chị Tiền, mỗi chị em tham gia phục vụ du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng sẽ được nhận tiền công từ 200 - 300 ngàn đồng, tùy quy mô đoàn khách. Ngoài ra, nhà nào được phân công cung cấp thực phẩm như rau, thịt gà, thịt lợn hoặc rượu cần thì sẽ được trả tiền theo sản phẩm.
Cùng với việc làm du lịch, chị em nơi đây còn hỗ trợ đổi công giúp nhau trong sản xuất. Tới thăm bản Long Thắng, những ruộng lúa, nương ngô xanh mơn mởn thấp thoáng bên những mái nhà nhuốm màu thời gian chính là bao công sức chăm bẵm từ tổ đổi công, đổi việc của chị em phụ nữ trong bản.
Theo chân các chị em xuống ruộng giúp nhau làm cỏ lạc, cỏ lúa, chị Lô Thị Hương tâm sự: Chị em bản tôi thường giúp nhau làm như vậy đấy. Mỗi nhà sẽ cử một người tham gia, giúp xong công việc của nhà này rồi chuyển sang giúp nhà tiếp theo. Tập trung cùng làm sẽ nhanh hơn, vui hơn và hiệu quả hơn.
Việc đổi công, giúp nhau làm nương rẫy đã thực hiện được nhiều năm. Nhờ vậy, hiệu quả trong sản xuất đã tăng lên giúp kinh tế hộ mỗi gia đình ngày càng khấm khá.
Tại bản Vinh Tiến, nhờ chị em hỗ trợ nhau làm cỏ, bón phân đúng thời vụ nên mô hình trồng dưa nại đã cho thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/ha. Tương tự, mô hình trồng khoai sọ, trồng lạc sen ở bản Long Thắng cũng được chăm sóc tốt, đem lại thu nhập ổn định cho các gia đình từ 2 năm lại nay.
Cách thức giúp nhau phát triển kinh tế và làm du lịch của chị em ở xã Hạnh Dịch đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Lượng khách đến tham quan nơi đây tăng qua từng năm đã mang đến nguồn thu nhập ổn định cho các chị em. Năm 2022, số lượng khách tham quan du lịch đến với Hạnh Dịch đạt khoảng 6.000 lượt, riêng trong các ngày lễ 30/4 - 1/5 đạt hơn 3.000 lượt.
Lãnh đạo xã Hạnh Dịch cung cấp thông tin rất ý nghĩa: Tính đến cuối năm 2022, toàn xã đã có thêm 47 hộ nghèo thoát nghèo, vượt mục tiêu mà công tác xóa nghèo đặt ra đầu năm. Cùng với tiêu chí giảm nghèo đạt kết quả vượt trội đã giúp cho xã biên giới Hạnh Dịch đạt được 13/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, tăng 2 tiêu chí so với năm 2021.