Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chuyện bên dòng Nhật Lệ

Thanh Hải - 23:17, 21/07/2021

Không còn cách trở đò ngang, không còn những ngôi nhà nhỏ lúp xúp giữa mênh mông cát trắng… xã đảo Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) - quê hương mẹ Suốt, giờ đã trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng vào loại đẹp nhất khu vực Bắc miền Trung. Dòng Nhật Lệ một thời chia cắt Bảo Ninh và TP. Đồng Hới cũng đã sừng sững hai cây cầu vững chãi nối liền đôi bờ…


Toàn cảnh tượng đài mẹ Suốt
Toàn cảnh tượng đài mẹ Suốt

Bảo Ninh xưa là làng biển nghèo, nép mình bên sông Nhật Lệ và cách trở thị xã Đồng Hới một chuyến đò ngang. Cả làng biển nơi ấy từng xác xơ vì bom đạn; xen lẫn với màu trắng của nắng và cát là mấy chục nóc nhà tranh giữa ba bề sóng vỗ. 

Nhưng nơi ấy có người mẹ đã đi vào lịch sử, gắn chặt đời mình với cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Bất chấp tuổi cao, bất chấp mưa bom bão đạn, bất chấp những con sóng dữ nơi cửa Nhật Lệ… mẹ ngày ngày tải quân trên chiếc đò ngang.

Mẹ Suốt tên đầy đủ là Nguyễn Thị Suốt, quê làng biển Trung Bính, xã Bảo Ninh. Khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, với lòng căm thù, phẫn uất, mẹ Suốt đã xung phong nhận nhiệm vụ lái đò qua sông Nhật Lệ để tải lương, tải quân.

Ngày 7/2/1965, đế quốc Mỹ ồ ạt điều động máy bay bắn phá Đồng Hới và các vùng lân cận. Dòng Nhật Lệ rung chuyển bởi đạn bom trút xuống nhưng mẹ Suốt vẫn hiên ngang nắm chắc tay chèo chở bộ đội sang sông, vận chuyển vũ khí đánh lại quân thù. Bao nhiêu lượt đò ngang qua sông là tất cả bấy nhiêu lòng quả cảm của người mẹ ngút chí căm thù. 

Sức mẹ đã góp vào chiến công để quân dân Đồng Hới bắn rơi 14 máy bay đế quốc Mỹ trong hai ngày 7 và 8/2/1965; sau đó, thêm 5 tàu chiến Mỹ bị bắn chìm, cháy tại biển Nhật Lệ. Năm 1967, mẹ Nguyễn Thị Suốt được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và 1 năm sau, mẹ Suốt anh dũng hy sinh dưới mưa bom bão đạn… Khi ấy mẹ 60 tuổi.

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Về Bảo Ninh trong tháng 7 này, xe bon bon trên cầu Nhật Lệ 1 mà sững sờ. Bảo Ninh đấy ư? Quả thật, trước mắt tôi hiện ra với những con đường rộng dài thẳng tắp, những dãy nhà hai, ba tầng khang trang, cả những biệt thự kiểu cách hiện đại của một xã đảo. Tôi như không tin vào mắt mình, bởi về Bảo Ninh hôm nay, hình ảnh đói nghèo xưa cũ vẫn cứ tràn ngập trong tâm trí.

Xã đảo Bảo Ninh đang ngày càng “lột xác”
Xã đảo Bảo Ninh đang ngày càng “lột xác”

Mừng xiết bao, quê hương của mẹ Suốt giờ đã đổi thịt thay da. Chỉ tính thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người mỗi tháng thôi là đã ấn tượng lắm rồi. Cả 4 trường học và trạm y tế đều đã đạt chuẩn quốc gia. 

Bảo Ninh còn được biết đến với 4 dự án resort cao cấp đang gấp rút hoàn thành; ngoài ra còn hàng chục khách sạn lớn nhỏ khác. Bãi biển Bảo Ninh cũng thật đẹp đẽ và thơ mộng, đầy cuốn hút.

Tôi có mấy ngày ở Đồng Hới nên có cơ hội rong ruổi khắp nơi trong xã Bảo Ninh. Tất cả đã đổi khác, Bảo Ninh đang trỗi dậy từng ngày bằng những công trình, dự án đang triển khai thi công. 

Con đường cũ chạy dọc suốt xã nay đã mở rộng khoảng 60m với 4 làn xe. Còn các nhánh đường đổ ra biển, ra sông đều được trải nhựa và bê tông phẳng lì. Những cơ sở, dịch vụ nghề cá bề thế, khang trang. Tôi nghĩ rằng, dấu ấn của làng cát năm xưa chỉ còn lại trong bóng dáng xanh gầy của rừng phi lao và những nghĩa trang thấp thoáng trong đồi cát…

Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, cười và bảo: Bảo Ninh có hơn 10.500 khẩu nhưng không còn hộ nghèo, chỉ có chừng 11 hộ cận nghèo. Thu ngân sách toàn xã đạt hơn 193 tỷ đồng. Giá trị dịch vụ tiểu thủ công nghiệp đạt 340 tỷ đồng. Cả hai cầu Nhật Lệ 1 và Nhật Lệ 2 đã đưa vào sử dụng, rút ngắn bảo Ninh với Đồng Hới; đồng thời là con đường huyết mạch để địa phương phát triển

Còn Bí thư Thành ủy Đồng Hới Trần Phong chắc nịch: Chính quyền tỉnh Quảng Bình và TP. Đồng Hới muốn biến Bảo Ninh thành một khu du lịch biển như bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng, để dòng sông Nhật Lệ đêm về cũng tỏa sáng, cũng lung linh như dòng sông Hàn thơ mộng của thủ phủ miền Trung…

Một góc xã đảo Bảo Ninh
Một góc xã đảo Bảo Ninh

Viễn tưởng ấy sẽ gần thôi. Bởi bóng dáng của đô thị biển sầm uất đã hiện hữu. Hơn hết, vùng đất Bảo Ninh anh hùng với những con người mà tinh thần, khí phách đã tạc vào lịch sử, vào thơ ca, vào tâm khảm của biết bao thế hệ người Việt Nam cùng với chủ trương, chính sách đúng đắn sẽ đưa mảnh đất nghèo khó “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” từng bước lột xác.

Đang miên man theo những “kì tích” của Bảo Ninh, tôi lại nghĩ về mẹ Suốt anh hùng chèo đò ngang tải lương, tải quân mấy chục năm trước. Nơi mẹ Suốt chèo đò năm xưa đã trở thành một di tích lịch sử tiêu biểu ở Đồng Hới trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ. Năm 1980, UBND thị xã (nay là thành phố) Đồng Hới đã cho dựng Tượng đài mẹ Suốt cách cầu Nhật Lệ khoảng 1km tại đường Quách Xuân Kỳ. Bức tượng được khánh thành năm 2003, là sự ngưỡng mộ và tri ân của Nhân dân Quảng Bình đối với Mẹ.

Hỏi chuyện cán bộ văn phòng UBND xã Bảo Ninh, được biết: Tượng đài mẹ Suốt được công nhận là di tích lịch sử, còn ngôi nhà mẹ Suốt không phải là di tích, mẹ vẫn đang được con cháu phụng thờ trong ngôi nhà chung. Tôi quay sang phường Đông Hải, nơi đặt Tượng đài mẹ Suốt để tường tận hơn dáng hình một người mẹ anh dũng, để tỏ hơn bến đò một thời mẹ Suốt tải quân, tải lương.

Đứng dưới chân Tượng đài mẹ Suốt thật lâu, hết nhìn ra dòng Nhật Lệ rồi lại nhẩm đọc mấy câu mà nhà thơ Tố Hữu đã viết; cố hình dung và tưởng tượng lại một thời bom Mỹ, có người mẹ can trường.

Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/Gió lay như sóng biển tung trắng bờ/Gan chi gan rứa mẹ nờ/Mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai…

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.