Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chương trình phục hồi thu nhập ở Bá Thước (Thanh Hóa): Huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị vào cuộc kiểm tra

Quỳnh Trâm - 15:38, 01/04/2020

Vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải bài viết: “Thanh Hóa: Chương trình phục hồi thu nhập liệu có tạo được sinh kế cho người dân?”. Bài viết phản ánh về một số bất cập trong Dự án phục hồi thu nhập quốc lộ 217 trên địa bàn huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Sau khi Báo đăng, ngày 31/3, ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã ký Công văn số 539/UBND-NN để báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa và một số cơ quan báo chí phản ánh vụ việc.

Bò dự án cấp cho người dân ở xã Ái Thượng cao hơn giá thị trường rất nhiều
Bò dự án cấp cho người dân ở xã Ái Thượng cao hơn giá thị trường rất nhiều

Theo nội dung công văn của UBND huyện Bá Thước, chương trình phục hồi thu nhập khi giải phóng mặt bằng quốc lộ 217 trên địa bàn huyện Bá Thước được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) – đối tác vay vốn để triển khai dự án. Đến thời điểm hiện tại, Ban quản lí và thực hiện chương trình phục hồi thu nhập của huyện Bá Thước (do ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện làm Trưởng ban - Pv) chưa tiến hành kiểm tra, nghiệm thu con giống, vật tư phục vụ kinh doanh để giải ngân kinh phí hỗ trợ.

Công văn của UBND huyện Bá Thước cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện chương trình phục hồi thu nhập cho các hộ dân bị ảnh hưởng, Ban quản lý dự án phục hồi thu nhập huyện Bá Thước và xã Ái Thượng đã chưa làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn về nội dung thực hiện chương trình. Đây là nguyên nhân khiến cho người dân chưa hiểu cặn kẽ quyền lợi của mình nên chưa thực hiện tốt việc lựa chọn trâu, bò giống, việc thỏa thuận giá với bên bán giống, cũng như bên bán vật tư phục vụ kinh doanh.

Mặt khác, một số hộ dân chưa tuân thủ, thực hiện tốt quy trình chăm sóc trâu, bò khi mua về nên ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Đồng thời, cơ quan thú y trên địa bàn cũng chưa thực hiện tốt công tác phát hiện, giám sát phòng dịch để dịch lây lan.

“Để làm rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, huyện Bá Thước sẽ chỉ đạo các đơn vị vào cuộc kiểm tra, và sẽ có văn bản trả lời tiếp theo. Nếu phát hiện sai phạm sẽ kỉ luật tập thể, cá nhân có liên quan”, công văn của UBND huyện Bá Thước nêu rõ.

Công văn của UBND huyện Bá Thước
Công văn của UBND huyện Bá Thước

Trước đó, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh, Dự án nâng cấp quốc lộ 217 từ huyện Hà Trung, qua Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Bá Thước đến cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn giai đoạn 2 (bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2018). Khi dự án triển khai, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn có quốc lộ 217 đi qua đã bị ảnh hưởng. Vì thế, trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng, dự án có một nội dung được các hộ dân bị ảnh hưởng quan tâm là Chương trình phục hồi thu nhập.

Theo quy định của Chương trình, mỗi hộ dân bị ảnh hưởng, mất sinh kế sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng, được quy thành hiện vật; nếu giá trị hiện vật lớn hơn 10 triệu đồng, các hộ sẽ phải đối ứng. Hầu hết các hộ được hưởng hỗ trợ đều nhận trâu (nghé), hoặc bò. Nhưng do mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng, nhưng đơn vị cung ứng nghé bán trên 20 triệu đồng/con; hầu hết các hộ được hỗ trợ còn khó khăn nên chung nhau hai hộ mua một con để giảm số tiền đối ứng.

Tại huyện Bá Thước, ngày 21/3/2020, hàng chục hộ dân ở xã Ái Thượng cũng được hỗ trợ phục hồi thu nhập; phần lớn các hộ cũng phải “chung lưng đấu cật” hai gia đình mua một con bò vì giá bò dự án quá cao, trong khi chất lượng vật nuôi không “đáng đồng tiền bát gạo”.

Chỉ tính tại huyện Bá Thước, theo danh sách thì cả huyện có 1.100 hộ được hỗ trợ phục hồi thu nhập; tương ứng số tiền hỗ trợ là 10,1 tỷ đồng. Trong đó có hơn 600 hộ đăng ký hỗ trợ mua bò; tính đến ngày 26/3/2020 đã có hơn 300 hộ nhận bò về.

Nhưng các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án liệu có phục hồi được thu nhập hay không khi hai hộ nuôi chung một con bò? Đó là chưa kể, có người vừa nhận bò về xong thì bò đã lăn đùng ra chết!.

Bò cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Văn Đức ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước đã chết sau 4 ngày nhận
Bò cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Văn Đức ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước đã chết sau 4 ngày nhận

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.