Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Phía tỉnh Quảng Trị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình người có công, đoàn viên, thanh niên và đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dự chương trình.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, trong giờ phút thiêng liêng này, mỗi chúng ta hãy lắng đọng tưởng nhớ, dành sự tri ân sâu sắc đến các thế hệ đi trước, các Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Mỗi một phút giây bình yên trong cuộc sống, mỗi một thành quả trong sự nghiệp phát triển đất nước có được hôm nay đều xuất phát từ những hy sinh cao cả đó. Đó là nền độc lập, hòa bình mà hàng triệu con người Việt Nam đã hy sinh, đánh đổi bằng cả máu xương.
Đã có 1,2 triệu chiến sĩ vĩnh viễn ra đi, trong đó có gần 200 nghìn liệt sĩ chưa thể tìm thấy hài cốt, gần 300 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa thể xác định được danh tính, hàng triệu thương binh, bệnh binh vẫn còn mang trên mình thương tích; hàng triệu gia đình chịu nỗi đau mất mát người thân.
Đồng chí Trương Thị Mai chia sẻ, ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa, vẫn tiếp tục có những tấm gương hy sinh quên mình để mang lại bình an cho cuộc sống nhân dân, để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mãi mãi chúng ta không bao giờ quên sự hy sinh to lớn đó và mỗi một việc làm hôm nay đều phải trả lời mình đã sống xứng đáng với thế hệ đi trước.
Tại đây, 50 năm trước đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trong trận chiến đó, thị xã Quảng Trị với diện tích chưa đầy 3km2 đã phải gánh chịu hơn 300 nghìn tấn bom đạn. Biết bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc ở tuổi mười tám, đôi mươi đã gác lại ước mơ, hoài bão theo tiếng gọi thiêng liêng đã ngã xuống giành lấy từng mét vuông đất cho Tổ quốc. Hôm nay, nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị có gần 60 nghìn liệt sĩ ở 72 nghĩa trang.
Tại bến sông Thạch Hãn này, chúng ta cũng không khỏi bùi ngùi xúc động khi nghe lại những câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương tri ân đồng đội:
“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.
“Khi người lính lặng im tan vào đất/Là cuộc đời chảy mãi những dòng sông/Ôi dòng sông mang phù sa người lính/Tươi mát bãi bồi xanh ngát nương dâu". (Dòng sông hoa đỏ" - Nguyễn Hữu Quý, Võ Thế Hùng).
81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành bất tử.
Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây”. Hằng năm ngày 27/7 trở thành ngày tri ân Thương binh-Liệt sĩ. 75 năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được ban hành. Chính sách người có công cách mạng là chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước và xã hội. Nhiều hoạt động thiết thực của các cấp ủy, tổ chức Đảng, mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội, cá nhân đã hỗ trợ, giúp đỡ cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với đất nước, mang lại tình cảm ấm áp, sự sẻ chia, lòng biết ơn, góp phần phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần yêu nước, nghĩa đồng bào. Những hoạt động tri ân người có công của tuổi trẻ đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp được Đảng, Nhà nước, xã hội, người có công ghi nhận, đánh giá cao.
Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình” diễn ra vào thời điểm nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022); 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6-16/9/1972). Với ý nghĩa nhân văn đó, mảnh đất linh thiêng Quảng Trị một lần nữa rực sáng sự ngưỡng vọng dành cho biết bao chiến sĩ đã hy sinh máu xương, tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Chương trình được xây dựng nhằm chiêm nghiệm ý thức, khát vọng của dân tộc Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng, tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi người dân khắp mọi miền đất nước và toàn cầu chung tay đấu tranh gìn giữ, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc, thịnh vượng. Đồng thời góp phần cho khát vọng xây dựng Quảng Trị trở thành một thương hiệu, một không gian văn hóa vì hòa bình, biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh, nơi sự sống bắt đầu.
Chương trình nghệ thuật lựa chọn hình tượng chủ đạo là “Dòng sông ước vọng” gợi nhắc những chiến công bất tử, tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng sự suy ngẫm về quá khứ, hoài niệm về ý nghĩa của những tháng năm chung sức đồng lòng cho niềm tin thống nhất nước nhà.
Hình tượng dòng sông dẫn dắt, tạo mạch xúc cảm xuyên suốt. Đó là dòng sông chở những ước mơ hoài bão của một thế hệ thanh niên sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì hòa bình, thống nhất đất nước; đó là dòng sông hôm nay chở những khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc, và đó cũng là dòng sông mang ước vọng về hòa bình cho toàn nhân loại, để không còn chia lìa, mất mát, khổ đau.. Dòng sông linh thiêng với mạch chảy của sự sống, sinh sôi và đổi thay, mang theo ước nguyện nối kết quá khứ, hiện tại, tương lai trong một khát vọng hòa bình xuyên suốt.
Tất cả những điều đó đều được lan tỏa trong một không gian đa chiều, hòa hợp và hội nhập để hướng tới thông điệp hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại. Đồng thời đây cũng là sự khắc họa nhấn mạnh để thêm lần nữa nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về ý chí, nghị lực phi thường của cả một dân tộc yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng hy sinh tất cả cho lý tưởng đã lựa chọn.
Kết thúc chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình”, các đại biểu tham gia Lễ hội thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn tri ân các Anh hùng, liệt sĩ. Câu chuyện về lịch sử bi thương của chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị đến hôm nay vẫn luôn làm nhiều người xúc động.
Ngày 16/9/1972, để bảo toàn lực lượng cũng như sau khi hoàn thành nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định rút toàn bộ lực lượng bộ đội trấn giữ Thành cổ về phía bờ bắc sông Thạch Hãn. Lúc này, sông Thạch Hãn đang vào mùa lũ lớn. Vì vậy, nhiều chiến sĩ cùng thương binh của ta khi qua dòng sông này đã không còn đủ sức chống lại với dòng nước lũ đang chảy xiết. Sông Thạch Hãn trong những ngày ấy đã trở thành nơi yên nghỉ vĩnh viễn của các chiến sĩ Thành cổ Anh hùng.