Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình MTQG 1719 - Những “điểm nghẽn” cần được khai thông: Vướng cơ chế, khó giải ngân ở Dự án 1 - Nhìn từ thực tiễn triển khai ở Quảng Bình

Phạm Tiến - 17:47, 10/06/2023

Sau hơn 2 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), những kết quả bước đầu đang mang lại nhiều kỳ vọng cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở cơ sở, một số nội dung gặp vướng mắc về cơ chế, phương thức thực hiện... cần tiếp tục rà soát tháo gỡ, "khai thông" kịp thời.

Chương trình MTQG 1719 có 10 Dự án, 22 Tiểu dự án và 55 nội dung thành phần được triển khai thực hiện bao trùm trên nhiều lĩnh vực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi
Chương trình MTQG 1719 có 10 Dự án, 22 Tiểu dự án và 55 nội dung thành phần được triển khai thực hiện bao trùm trên nhiều lĩnh vực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ

Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719 có 4 nội dung chính, là giải quyết tình trạng thiếu đất ở; nhà ở; đất sản xuất và nước sinh hoạt. Đây là những nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân sống trong những thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Đây cũng là những nội dung được người dân thuộc đối tượng thụ hưởng rất quan tâm. Tuy nhiên, do văn bản hướng dẫn thực hiện chưa đầy đủ, dẫn đến các địa phương không thể triển khai, không thể giải ngân vốn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hiện tại chưa giải ngân được ở 2 nội dung hỗ trợ đất ở và nhà ở của Dự án 1. Trong báo cáo của UBND huyện do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thủy ký, cũng đề cập rõ nguyên nhân là do “Chưa có hướng dẫn về quy trình thực hiện vì là vốn đầu tư, phương thức hỗ trợ, hình thức rút vốn đầu tư, thanh toán, quyết toán kinh phí được hỗ trợ”.

Ví dụ như ở nội dung hỗ trợ đất sản xuất ở Dự án 1, hiện nay các hộ đồng bào DTTS sinh sống ở khu vực có rừng, nhưng thiếu đất sản xuất theo định mức quy định. Trong khi đó khu vực xung quanh đồng bào định cư, sinh sống đã được Quy hoạch 3 loại rừng. Do đó, việc bố trí để cấp đất cho đồng bào không thể thực hiện được một sớm một chiều.

Nội dung hỗ trợ nhà ở trong Dự án 1 có ý nghĩa to lớn đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên khi triển khai đang gặp một số vướng mắc về cơ chế, phương thức giải ngân
Nội dung hỗ trợ nhà ở trong Dự án 1 có ý nghĩa to lớn đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên khi triển khai đang gặp một số vướng mắc về cơ chế, phương thức giải ngân

Dù Công văn số 629/UBND-KT của UBND tỉnh Quảng Bình đã quy định, ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất có khả năng sản xuất. Tuy nhiên, do không còn quỹ đất, nên địa phương không thể thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất và đối tượng chưa có hoặc thiếu đất sản xuất. Để triển khai giải ngân vốn ở Dự án 1, không chỉ ở Bố Trạch vướng, mà hầu hết các địa phương ở tỉnh Quảng Bình đều vướng không thể giải ngân.

Quy trình đầu tư chưa phù hợp

Nguồn vốn thực hiện Dự án 1, Chương trình MTTQ 1719 là nguồn vốn đầu tư phát triển. Do vậy, khi triển khai thực hiện theo quy trình của đầu tư công đã gặp vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ kịp thời.

Cụ thể, Dự án này thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển, nên quá trình thực hiện phải tuân thủ Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng. Theo đó, khi thực hiện Dự án phải thực hiện tất cả các khâu, như: Khảo sát thiết kế; dự toán, đấu thầu đến thanh lý quyết toán… Có nghĩa là, mỗi căn nhà được hỗ trợ theo Dự án 1, nếu được thực hiện theo quy trình của nguồn vốn đầu tư công sẽ cần phải có 1 bộ hồ sơ đầy đủ các bước thực hiện của 1 dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công như đã thông tin ở trên. Như vậy, cần phải có khoảng vài chục ngàn bộ hồ sơ tương tự trong nội dung hỗ trợ nhà ở cho đối tượng thụ hưởng ở Dự án 1.

Nguồn vốn hỗ trợ nhà ở, đất ở và đất sản xuất được thực hiện theo cơ chế vốn đầu tư làm cho các địa phương khó giải ngân
Nguồn vốn hỗ trợ nhà ở, đất ở và đất sản xuất được thực hiện theo cơ chế vốn đầu tư làm cho các địa phương khó giải ngân

Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất là nguồn vốn đầu tư nhỏ lẻ, liên quan trực tiếp đến người dân, và chủ yếu do mỗi gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng thực hiện. Việc giải ngân theo quy trình của nguồn vốn đầu tư phát triển là không phù hợp, khó triển khai.

Mặt khác, khi thực hiện theo các quy định của nguồn vốn đầu tư phát triển sẽ không thể huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện dự án. Đây chính là "điểm nghẽn" lớn khiến nhiều địa phương chưa thể triển khai nội dung, chưa thể giải ngân để phát huy hiệu quả nguồn ngân sách đã được phân bổ về địa phương.

Về nội dung hỗ trợ đất sản xuất ở Dự án 1, UBND tỉnh Quảng Bình đã có hướng mở, tại Công văn số 629/UBND-KT (các địa phương không có quỹ đất để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất và đối tượng chưa có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức, thì hỗ trợ chuyển đổi nghề với vốn sự nghiệp là 10 triệu đồng/ hộ). 

Thế nhưng, cũng chính công văn này lại gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện. Bởi, Công văn quy định hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh khác đối với đồng bào DTTS và miền núi. Nhưng hướng dẫn chưa cụ thể, định hướng quá rộng, nên các địa phương loay hoay khó tìm ra cách hỗ trợ như thế nào cho đúng và đạt hiệu quả cao nhất.

Để sớm triển khai các nội dụng ở Dự án 1, thiết nghĩ các bộ, ngành và chính quyền cấp tỉnh cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn theo hướng dễ thực hiện. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy trình đầu tư phù hợp để sớm giải ngân vốn đầu tư. Hướng tới mục tiêu đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận nhất với nguồn hỗ trợ, để đời sống của đồng bào và Nhân dân ở miền núi được cải thiện, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đúng với nội dung, mục tiêu tinh thần của Chương trình MTQG 1719.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Ngày 07/11, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đồng loạt khai giảng nhiều khóa bồi dưỡng tiếng Khmer năm 2024, với 160 học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia. Các khóa học diễn ra tại các địa bàn: huyện Giồng Giềng, TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên.