Ông có thể khái quát về vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, cũng việc triển khai Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong thời gian qua?
Ông Trương Văn Phương: Vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Phú Yên có 23 xã, trong đó có 12 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 10 xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và 70 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc.
Đến nay, cộng đồng các dân tộc ở Phú Yên phát triển đa dạng và phong phú với 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 DTTS với 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh (chủ yếu là dân tộc Ê Đê: 25.225 người, chiếm 41,95%; dân tộc Chăm: 22.825 người, chiếm 37,96%; dân tộc Ba Na: 4.680 người, chiếm 7,78%; dân tộc Tày: 2.349 người, chiếm 3,9%; dân tộc Nùng: 2.283 người, chiếm 3,79%; dân tộc Dao: 1.031 người, chiếm 1,71% và các dân tộc khác 1.735 người, chiếm 2,88%). Mỗi dân tộc có sắc thái văn hoá riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa tỉnh nhà.
Được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, … các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung phối hợp thực hiện các chính sách an sinh xã hội nên đời sống vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện. Cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, thương mại, dịch vụ. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng và phát huy, đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, góp phần quan trọng cùng các thành tựu chung của tỉnh nhà.
Về Chương trình MTQG 1719, đây là một chương trình được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, với một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi một cách toàn diện. Chương trình mang tính chất tổng thể, dài hạn 10 năm và là một chương trình mới, đặc thù dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Mục tiêu của chương trình là ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS. Chương trình cũng nhằm rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với các vùng khác; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực: giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc. Vì thế, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các ngành chức năng tập trung triển khai quyết liệt trong thời gian qua và đã đạt được những kết quả nhất định.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn những kết quả bước đầu và tác động của Chương trình MTQG 1719 đối với vùng DTTS và miền núi của tỉnh Phú Yên?
Ông Trương Văn Phương: Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG 1719 là 323,18 tỉ đồng. Riêng năm 2023 là 205.810 triệu đồng. Cụ thể, vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 82.129 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 123.681 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương đối ứng thực hiện Chương trình là 20.000 triệu đồng.
Nhờ các nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 mà hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống đồng bào vùng đồng bào DTTS và miền núi có những chuyển biến tích cực. Về kinh tế: Bước đầu đã hình thành các vùng trồng cây nguyên liệu như mía, sắn, cao su...gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến; mở rộng diện tích lúa nước, chăn nuôi bò đàn, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nên năng suất, chất lượng từng bước tăng lên.
Kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sinh hoạt... được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan; mặt bằng dân trí được nâng lên, vùng DTTS và miền núi đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở; văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và tiếp tục phát huy; công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, người DTTS ở vùng sâu, vùng xa được quan tâm thường xuyên hơn.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được nâng lên. Công tác xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể Nhân dân được chú trọng, hiện nay tất cả thôn, buôn và trường học trên địa bàn đều có chi bộ Đảng, đảng viên là người DTTS chiếm 5,3% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh. Tình hình an ninh quốc phòng được giữ vững.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Phú Yên đặt ra mục tiêu cụ thể nào để nâng cao đời sống bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Ông Trương Văn Phương:Trong triển khai thực hiện các công tác dân tộc, chính sách dân tộc nói chung và Chương trình MTQG 1719 luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả. Ban Dân tộc - với vai trò là cơ quan tham mưu về công tác đân tộc trên địa bàn cũng đã vào cuộc tích cực.
Trong giai đoạn này, Phú Yên đặt ra một số mục tiêu như: phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm trên 3%. Phấn đấu 100% xã, thôn, buôn có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Phấn đấu nâng cao tỉ lệ trẻ em được đến trường và tốt nghiệp THPT; tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; nâng cao tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề lên 50%; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Chương trình cũng hướng đến đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ; bảo đảm tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỉ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.
Trong quá trình triển khai Chương trình MTQG 1719 địa phương có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông? Ban Dân tộc có những đề xuất, kiến nghị gì để giải quyết những tồn tại trên?
Ông Trương Văn Phương: Chương trình được thực hiện trong 5 năm, nhưng đã mất gần 2 năm xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách. Một số bộ, ngành vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn nên công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc Chương trình còn lúng túng.
Tiến độ xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình của tỉnh còn chậm và chưa kịp thời đã ảnh hưởng đến công tác triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình. Một số địa phương vẫn chưa đảm bảo việc thực hiện quy định theo Luật đầu tư công về lập danh mục đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh có lúc chưa đồng bộ. Ở một số địa phương, một bộ phận đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện Chương trình còn lúng túng, chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác tham mưu triển khai thực hiện Chương trình. Trình độ cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án được giao…
Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong thời gian tới, Ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quy định định mức hỗ trợ chính sách đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, để các địa phương triển khai thực hiện.
Sớm phê duyệt danh sách các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 không thuộc xã khu vực III, II, I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thôn ĐBKK theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc.
Ban hành Bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp (theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT) để địa phương làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện; có hướng dẫn cụ thể về hình thức cho vay, định mức vốn cho vay, thời gian cho vay và lãi suất vay đối với nội dung hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn (Tiểu dự án 1 của Dự án 9)…
Trân trọng cảm ơn ông!