Ứng cử viên Vi Thanh Hương: Tôi dành sự quan tâm của mình đến những vấn đề có liên quan đến gia đình, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Ứng cử viên Vi Thanh Hương, dân tộc Thái, sinh năm 1984, tại xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bà Vi Thanh Hương hiện là Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân.
Là ứng cử viên người DTTS, tôi quan tâm tới vấn đề phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt ưu tiên đến người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Tôi sẽ dùng những kiến thức thực tiễn của mình, cùng với các thành viên của Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất chính sách đầu tư cho những vùng nông thôn, đặc biệt là tập trung hơn nữa vào cơ sở hạ tầng nông thôn như: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở y tế…
Là ứng cử viên nữ đang công tác tại Hội LHPN huyện, tôi dành sự quan tâm đến những vấn đề có liên quan đến gia đình, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em như: Sức khỏe sinh sản; vấn đề bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; vấn đề lao động, việc làm; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của phụ nữ; phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình...
Cùng các đại biểu khác, chúng tôi sẽ luôn hướng tới việc lồng ghép vấn đề giới vào hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương giúp cho việc thực thi đem lại lợi ích cho cả phụ nữ và nam giới.
Tất cả những chính sách, pháp luật của Nhà nước có được ban hành và đi vào thực tế đời sống của người dân hay không, tùy thuộc rất nhiều vào trách nhiệm, việc làm của ĐBQH. Do đó, tôi luôn tâm niệm rằng, dù ở cương vị nào, làm công việc gì, bản thân mình luôn phải làm tròn trách nhiệm với Nhân dân.
Ngoài ra, tôi sẽ tích cực làm cầu nối giữa địa phương, cử tri với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương; tranh thủ thúc đẩy có hiệu quả các đề nghị, kiến nghị của các địa phương để được Trung ương ủng hộ, sớm giải quyết, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong những năm tới; xem đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân cần phải làm đối với các địa phương nơi tôi được ứng cử.
Ứng cử viên Zơ Râm Duy: Sẽ kiến nghị đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục.
Những năm qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung về cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Mạng lưới trường lớp đã được quy hoạch sắp xếp phù hợp với khung cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân; tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào trường cao đẳng, đại học năm sau cao hơn năm trước; nhiều học sinh miễn thi và tuyển thẳng vào các trường đại học...
Ứng cử viên Zơ Râm Duy, dân tộc Cơtu sinh năm 1992, tại thôn KôngTơRơn, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, anh là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục được nâng cao, nhưng chưa đồng đều giữa các vùng; cơ sở vật chất chưa đồng bộ; chưa gắn kết giữa giáo dục, đào tạo với giải quyết việc làm.
Do đó, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XV, tôi sẽ tăng cường tuyên truyền và kiến nghị thực hiện đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục; để người học là chủ thể trung tâm của quá trình dạy và học. Kiến nghị đổi mới trong thực hiện giáo dục hướng nghiệp và thực hiện phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông để đánh giá đúng năng lực bản thân.
Tăng cường cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học, đầu tư trang thiết bị đảm bảo các điều kiện dạy học theo hướng đổi mới. Phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng quê hương đất nước.
Ngoài ra, tôi sẽ nỗ lực phát huy hết khả năng để làm thật tốt vai trò của người ĐBQH. Trong đó, bản thân tôi sẽ dành nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri để hiểu rõ hơn cuộc sống thực tế của cử tri và Nhân dân. Lắng nghe và tổng hợp các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để đề xuất đối với Quốc hội về những yêu cầu mà cử tri và Nhân dân mong đợi trên các lĩnh vực.