Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sự kiện - Bình luận

“Bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, thực sự là ngày hội của toàn dân”

Hồng Phúc- Việt Hà - 15:56, 17/05/2021

Cùng với các địa phương trong nước, tỉnh Bắc Giang đang tích cực, chủ động tiến hành công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Liên quan đến nội dung này, Phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo bầu cử tỉnh Bắc Giang.

Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo bầu cử tỉnh Bắc Giang
Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo bầu cử tỉnh Bắc Giang

Thưa đồng chí, nhiệm kỳ 2016-2021 sắp khép lại, xin đồng chí chia sẻ những dấu ấn của HĐND tỉnh khóa XVIII?

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình thế giới và khu vực; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy cùng với sự ủng hộ, giám sát của cử tri và Nhân dân; HĐND tỉnh Bắc Giang đã kế thừa và phát huy thành quả, kinh nghiệm của các khóa trước; có nhiều đổi mới cả về tổ chức, phương thức hoạt động; nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Theo đó, HĐND tỉnh đã ban hành 244 nghị quyết về các lĩnh vực kinh tế - ngân sách, pháp chế và văn hóa - xã hội; trong đó nhiều cơ chế, chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình như chính sách hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND. 

Chỉ hơn 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã huy động Nhân dân hiến hàng trăm hecta đất, đóng góp hàng nghìn ngày công và trên 1.700 tỷ đồng để cứng hóa trên 4.200km đường giao thông nông thôn, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo các vunf nông thôn. Hay cơ chế, chính sách đối với hợp đồng giáo viên mầm non theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ban hành ngày 13/7/2017 đã kịp thời tháo gỡ vấn đề thiếu giáo viên bậc học mầm non; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư và cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y cơ sở nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc theo Nghị quyết số 46/2019/NQ-HĐND ban hành ngày 11/12/2019 đã giúp Bắc Giang tháo gỡ những khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư ở cấp xã.

Dấu ấn quan trọng của HĐND nhiệm kỳ 2016- 2021 cũng được khẳng định qua công tác tổ chức và điều hành kỳ họp ngày càng đi vào nền nếp, bài bản, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp. Hoạt động giám sát được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng những vấn đề nóng, phức tạp được cử tri, Nhân dân quan tâm. Đặc biệt, hoạt động chất vấn đã có nhiều đổi mới theo hướng dân chủ, thẳng thắn, thực chất hơn. Việc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư có nhiều đổi mới, phát huy dân chủ, mang lại hiệu quả thiết thực…

Có thể thấy, kết quả hoạt động của HĐND tỉnh trong 5 năm qua đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015-2020, đưa Bắc Giang phát triển ấn tượng, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc hướng đến các mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm tới mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra.

Cùng với cả nước, Bắc Giang sẽ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23-5 tới. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã được tỉnh tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?

Sau hiệp thương lần thứ 3, trên cơ sở danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, Ủy ban bầu cử các cấp đã lập, công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, gồm: 15 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV để bầu ra 9 đại biểu; 128 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh để bầu 75 đại biểu; 580 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu 350 đại biểu; 8.606 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã để bầu 5.165 đại biểu. Thành phần, số lượng, cơ cấu đại biểu ứng cử cơ bản đảm bảo theo đúng quy định, trong đó tỷ lệ đại biểu ứng cử là nữ đạt trên 36%, đại biểu dưới 40 tuổi chiếm trên 30%, đại biểu người ngoài đảng chiếm trên 15%. Tất cả đều cao hơn so với mức quy định.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ấn định và công bố 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khu vực tỉnh Bắc Giang; Ủy ban bầu cử tỉnh ấn định và công bố 19 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh. Toàn tỉnh có 1.948 khu vực bỏ phiếu.

Tuổi trẻ huyện Việt Yên hỗ trợ chốt kiểm soát dịch covid-19 tại thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: CTV.
Tuổi trẻ huyện Việt Yên hỗ trợ chốt kiểm soát dịch covid-19 tại thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: CTV.

Đến thời điểm này, Bắc Giang đang bước vào những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào ngày 23/5 tới. Nhìn chung, các nội dung công việc đều đang được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch trên tinh thần khách quan, dân chủ, đúng pháp luật. Các địa phương đã hoàn thành niêm yết danh sách cử tri, niêm yết danh sách và tiểu sử tóm tắt người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các khu vực bỏ phiếu.

Đặc biệt, Ủy ban Bầu cử các cấp đang tập trung chỉ đạo rà soát, nắm tình hình biến động cử tri, chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo tất cả cử tri đều được tham gia bỏ phiếu (kể cả những trường hợp vì lý do đặc biệt, như đang bị cách ly, không thể đến các điểm bỏ phiếu). Đồng thời, tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ở cơ sở, nhất là tại khu vực các điểm bỏ phiếu,...

Trước những diễn biến phức tạp của dịch, bệnh Covid-19 hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh như thế nào để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong thời gian tổ chức bầu cử, thưa đồng chí?

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tỉnh Bắc Giang chính là việc dịch Covid-19 đang bùng phát trên địa bàn và diễn biến hết sức phức tạp trong mấy ngày gần đây. Tỉnh đang tập trung quyết liệt các biện pháp điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly tất cả các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm; thông tin rộng rãi tình hình dịch bệnh để Nhân dân biết, đề cao cảnh giác, chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; kích hoạt các phương án, chuẩn bị đẩy đủ các điều kiện để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra, với phương châm “4 tại chỗ”.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động điều chỉnh các hoạt động tiếp xúc cử tri vận động bầu cử để lồng ghép, giảm bớt số lượng các buổi tiếp xúc, giảm số lượng đại biểu tham dự, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cử tri và người ứng cử. Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị tốt các phương án phòng chống dịch để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, theo đúng kế hoạch.

Về cơ bản, tính đến thời điểm này, các công đoạn, các phương án, các kịch bản tổ chức bầu cử đã được tỉnh Bắc Giang hoàn tất. Chính quyền và Nhân dân tỉnh đang nố lực, quyết tâm khắc phục khó khăn trong công tác phòng chống dịch Covid- 19 để vừa đảm bảo an toàn cho Nhân dân vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với các tiêu chí: Hoàn thành bầu cử sớm, tỷ lệ cử tri đi bầu cao, bầu đủ số lượng, đảm bảo cơ cấu. Đặc biệt, Bắc Giang quyết tâm đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn, không để bất cứ vi phạm, sai sót đáng tiếc nào xảy ra để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của Nhân dân.

Xin cảm ơn đồng chí!


Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.