Ông Thạch Đal ở ấp Cà Lăng A Biển, phường 2, thị xã Vĩnh Châu cho hay: “Bây giờ, bà con Khmer trong phum, sóc vui lắm. Trước đây, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất cho nên cái nghèo cứ đeo bám mãi.
Nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn, lại được cán bộ khuyến nông và những người làm ăn giỏi hướng dẫn, nhiều hộ nông dân Khmer nghèo đã vươn lên, sản xuất giỏi. Nay đã hết nghèo rồi, mình đi trả sổ hộ nghèo để Nhà nước giúp đỡ người khác.
Cũng có chung suy nghĩ như ông Thạch Đal, chị Trà Thị Tựng ở ấp Bưng Cốc, anh Sà Lượl ở ấp Béc Tôn (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) đều đã trả được sổ hộ nghèo. Theo chị Thạch Thị Sết, năm 2014 nhờ Chương trình hỗ trợ bò cho hộ Khmer nghèo chăn nuôi trả chậm của Nhà nước, chị và hàng trăm hộ dân được cho vay 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi hai con bò sinh sản. Qua ba năm chăn nuôi, chị Sết đã hoàn lại nguồn vốn cho Nhà nước và hiện nay gia đình chị đã có đàn bò 6 con, mua sắm thêm phương tiện sinh hoạt gia đình như xe máy, ti-vi…
Ở các xã Tham Đôn, Tài Văn, Viên An, Viên Bình (huyện Trần Đề)… nơi có đông đồng bào Khmer gắn bó, sinh sống từ lâu đời, đây là điểm sáng của phong trào người giàu giúp đỡ người nghèo bằng cách hỗ trợ nhau vốn, con giống, kinh nghiệm sản xuất… Nhờ vậy mà vài năm trở lại đây, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên rõ rệt, không chỉ lo đủ cái ăn, cái mặc hằng ngày mà còn sửa sang, trang hoàng lại nhà cửa, con cái được học hành, đến nơi đến chốn, lại còn biết trao đổi, tích lũy kinh nghiệm sản xuất.
Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, vận dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương tình 135, 134,… đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên địa bàn tỉnh đã giúp đỡ nhau để vươn lên thoát nghèo. Đáng mừng nhất hiện nay là ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc Khmer bà con đã thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu chuyển sang phương thức sản xuất mới, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
TÙNG NGUYỄN