Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Chúa” của loài ong

Phạm Việt Thắng - 10:24, 14/09/2020

Tạo chúa cho đàn ong, một kỹ thuật bậc cao không mấy người làm được. Thế mà Nguyễn Văn Cường, cán bộ văn hóa xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã thành công. Không những thế, anh còn vận động bà con thành lập hợp tác xã (HTX), ứng dụng công nghệ mới để chế biến ra loại mật ong nức tiếng...

Anh Nguyễn Văn Cường đang vận hành hệ thống máy móc, thiết bị chế biến mật ong.
Anh Nguyễn Văn Cường đang vận hành hệ thống máy móc, thiết bị chế biến mật ong.

Tạo ong chúa

Nguyễn Văn Cường nuôi ong từ nhỏ, nhưng để trở nên đam mê và bỏ công sức tìm hiểu về loài ong thì lại xuất phát từ một biến cố ngẫu nhiên. “Năm học lớp 7, em bị ong đốt, sưng hết cả tay, đau kinh khủng. Lúc đau thì điên lắm, ước gì giết hết các loại ong, nhưng khi hết đau em lại rất hứng thú tìm hiểu về chúng. Ước mơ hồi nhỏ của em là có một trại ong thật to...”, Cường kể.

Học tập rồi mưu sinh, ước mơ “nho nhỏ” ấy của Cường vẫn chưa thành hiện thực. Cho đến một ngày, hay tin có Dự án hỗ trợ kỹ thuật nuôi ong do nước ngoài tài trợ, Cường đăng ký ngay. Dự án kéo dài những 5 năm, nhiều người không đủ kiên nhẫn để theo học, riêng Cường vẫn cứ miệt mài. Danh hiệu học viên xuất sắc thuộc về Cường là vì thế. Nhưng, xuất sắc hơn là Nguyễn Văn Cường đã nắm vững kỹ thuật tạo ong chúa để tách đàn ong. Đây là một kỹ thuật rất khó, không phải ai cũng thực hiện được.

Cường nói với chúng tôi một cách nôm na nhất: Đối với loài ong thì ong chúa rất quan trọng, ong chúa ở đâu đàn ong ở đó. Vì vậy muốn tách đàn để mở rộng chăn nuôi thì phải tạo được ong chúa. Tạo được ong chúa thì công việc tách đàn coi như đã thành công, thế là thêm một đàn ong mới cho mật ngọt. “Người tạo ra ong chúa được suy tôn là người làm chủ đàn ong”, Cường có phần hãnh diện.

Với nét mặt thật tươi, Cường kể: “Thành công đầu đời của em là hồi còn công tác tại xã Sơn Bình. Thấy bà con ở thôn Cửa Ông chăn nuôi nhỏ lẻ lại không làm chủ được đàn ong, nên em đã giúp họ tạo ong chúa, tách đàn. Ong ngày một nhiều, nhưng vẫn cảnh “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, thiếu sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là ứng dụng kỹ thuật mới... Vì thế em đã hướng dẫn bà con thành lập HTX để phát triển nghề này một cách bền vững”.

Lập hợp tác xã

Anh Đinh Nho Tuấn cho biết, mỗi năm anh có thu nhập từ mật ong khoảng 150 triệu đồng.
Anh Đinh Nho Tuấn cho biết, mỗi năm anh có thu nhập từ mật ong khoảng 150 triệu đồng.

Cường chia sẻ, “Em học được rằng, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Kế thừa thành công HTX nuôi ong ở xã Sơn Bình, em quyết tâm vận động bà con thành lập HTX”.

Vậy là năm 2019, HTX mật ong Cường Nga ra đời với 10 xã viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng. 3 cam kết của xã viên trùng khớp với các điều kiện để sản phẩm mật ong đạt chất lượng cao, trong đó bà con tự nguyện không thu hoạch mật trong thời gian nở hoa của một số loài cây không bảo đảm chất lượng. Ngoài xã viên, các hộ nuôi ong khác muốn liên kết với HTX cũng phải tuân thủ đúng quy trình, không có ngoại lệ.

HTX đã thống nhất đầu tư hệ thống máy móc thiết bị hiện đại để chế biến mật ong, ứng dụng công nghệ xử lý mật, thuê chuyên gia tư vấn để mật đạt chất lượng sản phẩm OCOP... Nhất là phương pháp hạ thủy phần (giảm lượng nước trong mật). Cường giải thích: “Xưa nay bà con toàn chế biến bằng phương pháp thủ công, vắt xong là cho vào chai. Giờ mật phải được kiểm soát ngay từ khâu thu hoạch, sau đó được lọc thô, hạ thủy phần, lọc tinh rồi mới đóng chai...” Chính vì thế mà cuối năm 2019, mật ong Cường Nga được công nhận chất lượng ba sao, cùng với 71 sản phẩm khác đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh.

Chúng tôi đến thăm trại ong của gia đình anh Đinh Nho Tuấn (thôn Cây Thị, xã Sơn Tây), Phó Chủ nhiệm HTX mật ong Cường Nga, nhà anh Tuấn hiện đang nuôi 54 đàn ong. Theo tính toán của anh, trại ong của anh thu về khoảng 150 triệu đồng/năm. “Mật ong HTX chúng tôi không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà cung cấp cho cả Vũng Tàu, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An... Như Tết vừa rồi, chuẩn bị hơn một nghìn lít mà không còn một lọ để dùng”, anh Tuần hồ hởi.

Trở lại với cán bộ văn hóa mê ong Nguyễn Văn Cường, anh cho biết, đang xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường để hướng đến xuất khẩu mật ong. “Hương Sơn là vùng đất có nhiều cây, hoa là dược liệu quý, quê của Hải Thượng Lãn Ông mà. Mật ong Hương Sơn vì thế rất tuyệt vời”, Nguyễn Văn Cường rất tự tin!


Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.