Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chưa có công chúng cho ảnh nghệ thuật

PV - 11:16, 26/05/2023

Dù gặt hái được nhiều thành công và lực lượng nhiếp ảnh gia đông đảo, nhưng ảnh nghệ thuật vẫn còn khá xa lạ với công chúng Việt Nam và chưa có thị trường đúng nghĩa; con đường phát triển thực sự gian nan khi vướng các vấn đề như bản quyền hay thiếu tiêu chí đánh giá giá trị ảnh…

Tác phẩm “Váy hoa” của nhiếp ảnh gia Khánh Phan. Ảnh ITN
Tác phẩm “Váy hoa” của nhiếp ảnh gia Khánh Phan. Ảnh ITN

Tay máy hùng hậu nhưng thị trường nhiều rào cản

Vừa qua, nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan đã giành giải cao nhất Grand Prize tại cuộc thi Ảnh & Video SkyPixel - SkyPixel lần thứ 8, với Váy hoa - tác phẩm đoạt giải chụp lại hoạt động của những người phụ nữ thu hoạch hoa súng vào mùa nước nổi ở Nam Bộ, tạo thành một chiếc váy hoa trên mặt nước. Trước đó, tác phẩm Matrix of boats (Ma trận tàu cá) của nhiếp ảnh gia Cao Nguyên Vũ đã giành giải Nhất cho hạng mục Màu sắc, thuộc khuôn khổ giải thưởng Hamdan International Photography Award (HIPA) lần thứ 11.

Hay tại cuộc thi ảnh chân dung World’s Top 10 Portrait Photographers 2022 của One Eyeland, hai tác phẩm ảnh của nhiếp ảnh gia Việt Văn là Nghệ sĩ song sinh đoạt HCB ở hạng mục Chân dung một đôi (A couple) Nhân dạng (Bản sắc) giành HCĐ Chân dung ý niệm (Conceptual) và chung cuộc xếp hạng nhất các tay máy Việt Nam tham gia ở cuộc thi này (The top photographer in each Country)…

Có thể thấy, hầu như năm nào giới nhiếp ảnh Việt Nam cũng gặt hái được hàng chục giải thưởng quốc tế ở đa dạng thể loại. Ở trong nước, từ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đều tổ chức các cuộc thi và giải thưởng nhiếp ảnh nghệ thuật định kỳ. Giới nghề cũng ghi nhận một lực lượng nhiếp ảnh gia trẻ với các tác phẩm được đánh giá cao.

Tuy nhiên, tại Tọa đàm Nhìn lại lịch sử nhiếp ảnh và tiềm năng của nhiếp ảnh nghệ thuật diễn ra mới đây, các ý kiến cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, nhiếp ảnh nghệ thuật còn khá xa lạ với công chúng. Tại nhiều quốc gia, nhiếp ảnh nghệ thuật vẫn luôn được săn đón và sưu tầm với giá trị cao, lên tới hàng triệu USD ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Tại Việt Nam, hầu hết tác giả, kể cả các nhiếp ảnh gia nổi tiếng vẫn chủ yếu chụp ảnh để thỏa mãn đam mê, đăng tải trên mạng xã hội. Một số rất ít tác giả là những nhiếp ảnh gia thương mại thành công nhưng chủ yếu là thụ động chờ đợi khách hàng…

Bà Dương Thu Hằng, Giám đốc Hanoi Studio Gallery nhận định, đại đa số công chúng vẫn nhìn ảnh như một tư liệu, trong khi đây chỉ là một trong ba thể loại của nhiếp ảnh, cùng với ảnh thương mại và ảnh nghệ thuật. “Theo dõi ảnh nghệ thuật trong hơn 20 năm qua, tôi thấy thị trường ảnh nghệ thuật Việt Nam chưa được khai thác đúng tiềm năng. Việt Nam hiện nay có nhiều nhà đầu tư, người yêu nghệ thuật sẵn sàng bỏ tiền ra để sở hữu tác phẩm nghệ thuật, quảng bá văn hóa, đất nước qua những cuốn sách ảnh nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu đi qua các hội chợ quốc tế, ảnh được mua bán tương tự nhưng tranh và các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, thì về Việt Nam lại không có công chúng. Chúng ta chưa có văn hóa chơi ảnh, đó là hạn chế cho nhiếp ảnh nghệ thuật”, bà Dương Thu Hằng nói.

Cần những người thực hành chuyên nghiệp

Ghi dấu ấn riêng biệt trong nhiếp ảnh bằng việc thực hành các kỹ thuật hình ảnh và bản in vô cùng độc đáo, nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc cho rằng: Nhiếp ảnh ra đời, sau khi trở thành một công cụ, thì cố gắng trở thành nghệ thuật. Ở Việt Nam đã có thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật nhưng còn yếu, một phần do tính chuyên nghiệp và sự gắn kết. Vấn đề nổi cộm được nhiều người trong ngành chỉ ra là bản quyền - rào cản khiến thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật khó phát triển. Không ít tổ chức, cá nhân xin ảnh tác giả để sử dụng, hay thậm chí tự ý lấy trên mạng rồi vô tư dùng quảng bá du lịch, trang trí ở gia đình, trụ sở công ty, cơ quan; hay lấy ảnh vẽ lại thành tranh… vẫn diễn ra thường xuyên.

Chưa có công chúng cho ảnh nghệ thuật 1

Mặt khác, hiện nay mua bán ảnh chủ yếu là giao dịch mang tính cá nhân, trực tiếp. Rất nhiều trường hợp chỉ mua bán theo kiểu thỏa thuận miệng. Người bán và người mua đều không có giấy tờ gì để chứng thực họ là chủ sở hữu bản quyền bức ảnh. Trong khi hội họa là độc bản, nhiếp ảnh lại là nhân bản. Việc một bức ảnh được bán ra file gốc, là hình độc bản hay bao nhiêu bản, sử dụng ảnh một lần hay nhiều lần, trong những trường hợp cụ thể nào… chưa được đề cập đến một cách rõ ràng. Thêm vào đó, chưa có tiêu chí để đánh giá giá trị ảnh, bởi vậy, dù Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và một số tổ chức tư nhân trong nước từng có các động thái hỗ trợ việc bán ảnh nghệ thuật, nhưng đều thất bại.

So sánh với thị trường tranh, bà Dương Thu Hằng cho rằng: Thời kỳ trước, mang tranh ra nước ngoài, chúng ta không có sự kiểm soát tác giả tự nhân bản, cùng một bố cục tranh có thể có 20 phiên bản… nhưng khi có công chúng Việt chơi tranh trong 10 năm nay, họ là người kiểm soát chất lượng, thật giả. Dần dần, nhiều tác giả cũng có ý thức nghề nghiệp hơn, có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Làm việc với nhiều họa sĩ bán tranh khắc gỗ và điêu khắc - là những loại hình được quyền có nhiều phiên bản, bà Dương Thu Hằng cho biết, tranh khắc gỗ 100 phiên bản có giá khác với 5 phiên bản, điêu khắc 10 phiên bản giá khác với 3 phiên bản. Khi nghệ sĩ đăng ký rõ ràng như vậy, công chúng dễ dàng kiểm soát…

Nhận định thú chơi chưa bao giờ dành cho số đông, bà Dương Thu Hằng cho rằng, con đường phát triển của thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật gian nan nhưng khi xã hội phát triển, chắc chắn số người chơi ảnh nghệ thuật sẽ nhiều lên. Không xa có thể có nhà sưu tầm sở hữu ảnh của 20 nhiếp ảnh gia hàng đầu Việt Nam!

Còn theo nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc, để nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam phát triển cần sự quan tâm và đầu tư từ nhiều phía. Trong các lĩnh vực nói chung, nhiếp ảnh nói riêng đều cần phải có những người thực hành chuyên nghiệp, cam kết cố gắng và có sự ủng hộ từ phía khán giả, cộng đồng. Đồng thời có sự hỗ trợ từ chính sách, luật pháp và các nhà bảo trợ… Tất cả cộng lại, nhiếp ảnh nghệ thuật mới có thể phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.