Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam: “Tạo sinh kế để nâng cao vị thế phụ nữ người DTTS”

PV - 09:58, 08/03/2019

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đã tích cực hỗ trợ hội viên người DTTS nâng cao trình độ mọi mặt, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà nước ta đã ký kết với Liên Hợp quốc. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3, Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xung quanh nội dung này.

Bà đánh giá như thế nào về vai trò, vị thế của phụ nữ người DTTS hiện nay?

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng DTTS và miền núi thì vai trò, vị thế của người phụ nữ DTTS đã có rất nhiều thay đổi, không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, mà người phụ nữ đang thể hiện vai trò ngày càng lớn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhiều phụ nữ DTTS đã vươn lên, trở thành những doanh nhân thành đạt, đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của vùng DTTS và miền núi. Trong lĩnh vực văn hóa, chị em ngày càng phát huy vai trò gìn giữ trao truyền cho thế hệ tương lai các giá trị văn hóa độc đáo, ngôn ngữ, trang phục, nghệ thuật truyền thống từ ngàn đời của gia đình, cộng đồng bản làng, phum sóc các dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tặng áo ấm cho phụ nữ xã biên giới Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) dịp Tết Kỷ Hợi (ngày 17/1/2019). Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tặng áo ấm cho phụ nữ xã biên giới Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) dịp Tết Kỷ Hợi (ngày 17/1/2019).

Tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia trong hệ thống chính trị ngày càng tăng lên. Trong số 86 đại biểu Quốc hội khóa XIV là người DTTS thì có tới 47,67% là phụ nữ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nói chung (26,72%), đặc biệt, có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ DTTS.

Bên cạnh việc khẳng định được vai trò, vị thế trong một số lĩnh vực thì đại đa số phụ nữ DTTS vẫn chịu nhiều thiệt thòi do vấn đề bất bình đẳng giới vẫn diễn ra khá trầm trọng. Đây chính là yếu tố cản trở khiến chị em chưa thể phát huy thế mạnh của mình. Trong lĩnh vực kinh tế-lao động, dù sinh kế phụ thuộc vào đất đai nhưng rất ít phụ nữ DTTS được đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng. Trong lĩnh vực giáo dục, theo điều tra thì nam DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết đạt tỷ lệ 86,3%, trong khi đó tỷ lệ nữ chỉ 73,4% biết đọc biết viết.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực gia đình, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới cũng là vấn đề nổi cộm. Cùng với đó, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết vùng đồng bào DTTS cũng đang là những vấn đề xã hội bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, sự phát triển của phụ nữ, trẻ em gái và rộng hơn là sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo bà, nguyên nhân cốt lõi nào đã hạn chế vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS và giải pháp quan trọng nào để cải thiện tình trạng này?

Có rất nhiều nguyên nhân như, cản trở về địa lý, thổ nhưỡng, giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí của người dân không đồng đều; trong đời sống xã hội của đồng bào vẫn còn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu và những hiện tượng về bất bình đẳng giới, nhưng tôi cho rằng, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn chính là nguyên nhân sâu xa khiến phụ nữ DTTS chưa phát huy được vai trò vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Chính vì vậy, muốn thay đổi vị thế của người phụ nữ DTTS, trước hết phải bắt đầu từ việc tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống của chị em trên cơ sở phát huy nội lực, chia sẻ những tri thức bản địa trong sản xuất và tạo sinh kế.

Từ quan điểm này, cần đặc biệt tập trung đầu tư tạo chuyển biến rõ nét tạo đột phá vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững. Cụ thể hóa bằng một số các hoạt động như: Vận động phụ nữ phát huy nội lực, thực hành tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bước đầu thí điểm các hoạt động gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện an sinh xã hội như tiết kiệm để mua bảo hiểm y tế, tiết kiệm để xây nhà vệ sinh. Hướng dẫn, hỗ trợ chị em tham gia chuyển đổi phát triển cây/con chủ lực có giá trị kinh tế theo định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới…

Hội LHPN Việt Nam đã có những sáng kiến gì để hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ DTTS?

Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Đã có rất nhiều sáng kiến của các cấp Hội trong hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ DTTS, tiêu biểu như: sáng kiến thành lập các nhóm liên kết/tổ hợp tác sản xuất kinh doanh các sản phẩm bản địa (du lịch cộng đồng, sản xuất rau bản địa, rau trái vụ, lợn đen, lợn rừng, trồng dược liệu…);… Các hoạt động đã khẳng định hiệu quả ở nhiều tỉnh thành có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Đặc biệt, năm 2018, Hội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn từ 2018-2020. Đây là một sáng kiến nhằm tập trung nguồn lực sinh kế hỗ trợ phụ nữ DTTS các xã biên giới ĐBKK. Chương trình đã thu hút được sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

Năm 2019, các hoạt động của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” cũng sẽ tập trung hưởng ứng chủ đề “Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, huy động nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho chị em, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội tồn tại dai dẳng liên quan đến phụ nữ và trẻ em vùng DTTS. Chỉ trong Lễ phát động “Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em” vừa được tổ chức ngày 6/3, Chương trình đã huy động được hơn 23 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn bà!

KHÁNH THƯ

 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.