Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó trưởng Đoàn giám sát và đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội Khóa XV, được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm và đã trực tiếp làm việc nhiều lần. Trong tháng 3/2022, Đoàn giám sát đã làm việc với một số Bộ, 5 thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh có tính đại diện cho các vùng miền của cả nước. Các thành viên của Đoàn giám sát, các bộ, ngành, địa phương đã làm việc với sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao. Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và một số cơ quan, ban ngành cũng đã tích cực tham gia chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội. Đến nay, cơ bản Đoàn giám sát của Quốc hội đã kết thúc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, triển khai làm việc với Chính phủ và tổng hợp báo cáo.
Để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 4 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ tập trung thảo luận, đánh giá đúng thực trạng việc chấp hành chính sách, pháp luật về lĩnh vực quy hoạch, các kiến nghị, giải pháp để hoàn thành việc lập các quy hoạch bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã tập trung thảo luận và yêu cầu Chính phủ giải trình, làm rõ hơn 12 nội dung đã được Đoàn giám sát đề nghị báo cáo bổ sung trước đó. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là vấn đề cốt lõi bởi việc cung cấp khách quan, đầy đủ thông tin về các vấn đề này sẽ phản ánh được đúng thực trạng việc lập quy hoạch và những khó khăn, vướng mắc hiện nay, làm cơ sở để đề xuất giải pháp phù hợp.
Đoàn giám sát cũng đã yêu cầu Chính phủ làm rõ hệ thống chính sách pháp luật về quy hoạch có vướng mắc khi triển khai không? Hệ thống chính sách pháp luật về quy hoạch hiện nay có bảo đảm hoàn thành các quy hoạch như tiến độ Chính phủ đề ra và bảo đảm chất lượng hay không? Làm rõ Luật Quy hoạch và các Luật liên quan có bất cập, mâu thuẫn thì có cần phải sửa ngay không? Các văn bản hướng dẫn Luật đã đầy đủ chưa, có bất cập gì cần sửa hay không?
Thực tế hiện nay hầu hết các quy hoạch đều mới được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, lập quy hoạch, đang tiến hành lựa chọn tư vấn, đang lập quy hoạch trong điều kiện hệ thống chính sách, pháp luật còn bất cập. Cùng với đó, số lượng, chất lượng đơn vị tư vấn còn thiếu và bất cập về kinh nghiệm; Hội đồng thẩm định quốc gia phải thẩm định rất nhiều quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền. Với khối lượng công việc đồ sộ và trong điều kiện như vậy, cần làm rõ việc có hoàn thành đúng tiến độ Chính phủ đề ra và bảo đảm chất lượng các quy hoạch không, nhất là các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh dự kiến hoàn thành trước 31/12/2022.
Quá trình làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ngành, địa phương cũng cho thấy có những vướng mắc về chính sách, pháp luật; có những vấn đề hầu hết các địa phương đều chưa triển khai được như vấn đề tích hợp, vấn đề đảm bảo tính thống nhất với các quy hoạch cấp trên khi quy hoạch cấp trên chưa được duyệt, cơ sở dữ liệu thông tin để lập quy hoạch thiếu, công tác phối hợp còn bất cập… Do đó, Đoàn giám sát yêu cầu Chính phủ báo cáo làm rõ hơn các nguyên nhân căn bản, cốt lõi và đề xuất giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong công tác quy hoạch vừa qua.
Theo các thành viên Đoàn giám sát, các quy hoạch nếu được lập đúng và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Luật Quy hoạch sẽ có rất nhiều điểm mới, ưu việt, rất hiệu quả khi tổ chức thực hiện. Nhưng vấn đề đặt ra là đã đủ điều kiện để thực hiện trên thực tế chưa, khi có nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ ngay? Do đó, Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ làm rõ với điều kiện hiện nay, có thể lập phê duyệt quy hoạch theo phương pháp mới hay phải củng cố hoàn thiện các điều kiện, dần từng bước hoàn thành các quy hoạch, nhất là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực.
Về phương pháp lập quy hoạch, theo Luật Quy hoạch là lập từ trên xuống, các quy hoạch cấp trên lập trước, làm định hướng, căn cứ để lập quy hoạch cấp dưới. Tuy nhiên, triển khai trong thực tiễn có vướng mắc nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 cho phép các quy hoạch lập song song, quy hoạch nào xong trước thì phê duyệt trước, sau khi phê duyệt nếu không thống nhất với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh. Vậy khi phê duyệt có đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất không? Thực tế hiện nay ở cấp quốc gia mới có quy hoạch sử dụng đất và 4 quy hoạch ngành giao thông được phê duyệt, nhưng đã có địa phương nêu phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với hiện trạng đất, nhu cầu đất của địa phương với chỉ tiêu đất được phân bổ chưa thống nhất. Vừa qua cũng có ý kiến thống nhất các quy hoạch lập song song, phê duyệt các quy hoạch cấp trên trước, làm định hướng, căn cứ để lập quy hoạch cấp dưới, đặc biệt quy hoạch tỉnh phê duyệt sau cùng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Đoàn giám sát nêu rõ, đây là vấn đề cần tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. /.