Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bám sát quan điểm lớn về đảm bảo tính đầy đủ trong quy trình thủ tục khi tiến hành kỳ họp Quốc hội

PV - 12:20, 17/08/2022

Sáng 17/8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu bám sát quan điểm lớn nhằm đảm bảo được tính đầy đủ trong các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật để tiến hành kỳ họp Quốc hội và sửa đổi nội quy nhưng không vượt qua quy định của luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Lưu ý các nguyên tắc cần bảo đảm khi sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội

Sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, kỳ họp Quốc hội là phương thức hoạt động quan trọng nhất của Quốc hội. Vì tính chất quan trọng đó nên Luật Tổ chức Quốc hội đã có 5 điều quy định những vấn đề chi tiết về kỳ họp. Nội quy kỳ họp là để tiếp tục cụ thể hóa và hướng dẫn thêm để thực hiện các quy định của luật.

Việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp lần này để thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quôc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; cũng như để triển khai thực hiện Nghị quyết 161 tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV giao cho Quốc hội khóa XV tiếp tục nghiên cứu để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội theo hướng vừa nâng cao chất lượng vừa giảm tối đa thời gian của kỳ họp, tiết kiệm thời gian. Theo Chủ tịch Quốc hội, ngoài việc cải tiến về nội quy thì việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho các nội dung là một điều kiện rất quan trọng để nâng cao chất lượng và tiết kiệm tối đa thời gian của kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận cơ quan soạn thảo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, có chất lượng hồ sơ dự thảo Nghị quyết và đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến chuyên gia, v.v.. Trong quá trình này, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra kỹ lưỡng và Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chung tay làm, cùng với đó Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần cho ý kiến. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hồ sơ dự án Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đủ điều kiện để trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội xem xét để bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật và xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu, quan điểm và phạm vi sửa đổi. Theo đó, cần phải nhấn mạnh và bám sát quan điểm lớn để đảm bảo được tính đầy đủ trong các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật để tiến hành kỳ họp Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, một là: nội quy là mô tả, yêu cầu phải thực hiện quy trình, thủ tục, rồi cách thức… mà luật pháp đã quy định nên không thể tùy tiện. Do đó, một số quy định như việc đọc tờ trình ra Quốc hội là hiến định và pháp luật đã quy định nên không thể vì tiết kiệm thời gian mà không đọc tờ trình nữa, mà chỉ tiết kiệm thời gian tối đa, ngắn gọn, không thể bỏ quy trình này.

Hai là, việc sửa đổi, bổ sung nội quy phải bảo đảm mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hợp lý và hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, Quốc hội là cơ quan dân cử, là cơ quan lập hiến và luật pháp nên về pháp luật ngày càng phải chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khoa học và hợp lý.

Đồng thời, phải thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Chủ tịch Quốc hội cho biết, sửa Nội quy lần này là chính thức hóa một số nội dung đã làm trên thực tế. Như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Quốc hội đã phải chuyển sang họp trực tuyến, trong khi quy chế cũ không nói hình thức họp trực tuyến, có lúc lại họp vừa kết hợp trực tuyến với trực tiếp. Hay trong vấn đề biểu quyết, nếu như trước đây chỉ có bỏ phiếu kín, biểu quyết qua hệ thống điện tử hoặc giơ tay thì hiện nay còn có biểu quyết qua ứng dụng trên hệ thống Ipad.

Ba là, phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan hữu quan vào kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục làm rõ hơn chức trách, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cơ quan và mối quan hệ trong việc thực hiện và tham gia vào kỳ họp, cũng phải bám sát định hướng, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhất là đảm bảo quyền và nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Trong đó, quy định liên quan đến quyền của đại biểu Quốc hội phải bảo đảm quy định cho đại biểu Quốc hội phát huy được quyền và nâng cao được trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Do đó, cần tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, tiếp tục chuyển trọng tâm từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận và tranh luận, ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng Quốc hội điện tử…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phải chính thức hóa những nội dung đã chín, đã rõ và được thực tế kiểm nghiệm và có đồng thuận cao. Những nội dung chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế kiểm điểm, chưa đồng thuận thì nên cân nhắc để lại. Dù là điều khoản nào đi nữa cũng đều phải bám sát tinh thần này. Tờ trình, báo cáo thẩm tra đều phải nhấn mạnh những điều này để làm nguyên tắc để rà soát những điều khoản chi tiết cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục cần phải rà soát kỹ các điều khoản để đảm bảo được tính tương thích và thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan; lưu ý rằng sửa đổi nội quy ở đây nhưng không được vượt qua phạm vi quy định pháp luật đang có hiệu lực. Đây là những vấn đề chung, đề nghị cả cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra, xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng theo tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Quy định linh hoạt trong điều hành để đảm bảo được sức sống cho kỳ họp

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đã cho ý kiến về một số nội dung cụ thể trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội, các nội dung còn ý kiến khác nhau. Chủ tịch Quốc hội cho rằng Nội quy kỳ họp cần bổ sung trách nhiệm của Tổng Thư ký Quốc hội và Ban Thư ký trong điều hành kỳ họp, cơ chế về thông tin liên lạc, mối quan hệ trong điều hành giữa Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký với Chủ tịch, Chủ tọa điều hành phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với việc quy định thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể là 7 phút là phù hợp; đồng thời đề nghị cân nhắc quy định trong điều hành để nhiều người được tham gia phát biểu nhất, nhất là những phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, tính đến trường hợp xin ý kiến Quốc hội để dành quyền linh đoạt cho chủ tọa và quyền linh hoạt cho Quốc hội để rút ngắn thời gian phát biểu hoặc kéo dài thời gian làm việc với phương châm Quốc hội làm hết việc chứ không phải hết giờ.

Về vai trò của chủ tọa và người điều hành phiên họp, Nội quy kỳ họp Quốc hội phải bảo đảm tuân thủ và cụ thể hóa quy định của luật về Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thực hiện nội dung chương trình kỳ họp và những quy định về kỳ họp. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội. Đồng thời cần thiết kế một điều riêng quy định về vai trò, nhiệm vụ của Chủ tịch Quốc hội với tư cách là người chủ trì phiên họp và là người duy trì trật tự kỳ họp, đảm bảo hoạt động của kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp được tiến hành đúng quy trình, thủ tục. Cần quy định trách nhiệm, quy trình, thủ tục làm việc của người điều hành các phiên họp tại kỳ họp bao gồm các phiên họp toàn thể, họp đoàn, họp tổ.

Về điều hành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng quyền linh hoạt trong điều hành là rất cần thiết. Mặc dù có quy tắc, quy chế nhưng diễn biến thực tế thiên biến vạn hóa. Do đó, cần quy định quyền điều hành để đảm bảo được sức sống cho kỳ họp và thích ứng được với diễn biến thực tế. Đồng thời, linh hoạt nhưng cũng phải đảm bảo những nguyên tắc, bảo đảm quyền quyết định của Quốc hội

Vấn đề tranh luận và chất vấn lại, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, người chất vấn và đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận lại - đây là quyền của đại biểu cần phải được khẳng định. Tuy nhiên, tong chất vấn có quy định về không tranh luận giữa các đại biểu với nhau và cần có thêm quy định về việc không được phép lạm dụng quyền tranh luận để hỏi vấn đề khác, phát biểu về vấn đề khác.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát, bổ sung thêm quy định về người được mời dự thính tại phiên họp Quốc hội thì phải tuân thủ nội quy kỳ họp Quốc hội; quy định rõ tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức bản điện tử thì phải bảo đảm định dạng như tài liệu gốc, không sai sót hoặc bị biến đổi khi tiếp nhận và sử dụng, trong trường hợp cần thiết thì phải có bản giấy. Quy định rõ tại phiên khai mạc bế mạc của kỳ họp, phiên thảo luận kinh tế - xã hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Lễ tuyên thệ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh và Truyền hình quốc gia

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến các quy định để bảo đảm trật tự, an ninh và trang nghiêm tại kỳ họp Quốc hội như không sử dụng các thiết bị nghe nhìn cá nhân trong phiên họp kín, phiên họp về nội dung nhân sự; quy định về những tài liệu không chính thức lưu hành tại kỳ họp Quốc hội để bảo đảm quản lý chặt chẽ việc gửi, lưu hành tài liệu tại kỳ họp./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.