Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang

PV - 16:15, 14/12/2024

Ngày 14/12, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến từ Hội trường Trung tâm hành chính thành phố Vị Thanh đến 6 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin tới cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin tới cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị, sau khi nghe Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam báo cáo tóm tắt kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; báo cáo tóm tắt trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7 và trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị liên quan đến quốc kế, dân sinh.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các kiến nghị của cử tri, trên cơ sở những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành sẽ tổng hợp, còn các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương cần xử lý ngay, nhất là những vấn đề bảo đảm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã quyết định nhiều vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển đất nước. Kỳ họp đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Các luật đều liên quan mật thiết đến kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

Trong đó, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), “một luật sửa 4 luật” về đầu tư, “một luật sửa 9 luật” về tài chính-ngân sách,… nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới. Trong đó, có nhiều quyết sách mang tính lịch sử như: chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành,…

Nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế, dân sinh, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Chẳng hạn, Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) thể hiện rõ tính công bằng, minh bạch. Tất cả người dân có bảo hiểm y tế sẽ được thông tuyến, không còn phân biệt địa giới hành chính.

Thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các chất gây nghiện gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.

Ngoài ra, Quốc hội đã cho chủ trương tách dự án đền bù tái định cư thành dự án độc lập. Tin rằng tới đây, các công trình, dự án sẽ triển khai nhanh hơn. Quốc hội cũng cho thí điểm giải quyết các tồn đọng về đất đai của các thành phố lớn; thí điểm về chính sách nhà ở thương mại, ưu tiên giải quyết cho lực lượng vũ trang.

Về tình hình kinh tế của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 7%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 6.400 USD; hộ nghèo còn 1,93%.

15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. An sinh xã hội, đời sống Nhân dân tiếp tục được quan tâm; quốc phòng, an ninh cơ bản được bảo đảm.

Đối với Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh trong năm 2024. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,76%, thu ngân sách hơn 7.520 tỷ đồng (tăng hơn 23% so cùng kỳ); 42/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hộ nghèo giảm còn 1,93%,... Đây là kết quả của sự nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tới đây, Hậu Giang cần ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa. Quan tâm đến chất lượng giáo dục-đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Khai thác tốt tiềm năng du lịch, nhất là hai dự án du lịch sinh thái lung Ngọc Hoàng; dự án Khu đô thị Du lịch nghỉ dưỡng Mekong ở huyện Châu Thành. Đây là hai dự án có quy mô lớn, được kỳ vọng là cú hích, mở ra không gian kinh tế mới cho tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị không chỉ tỉnh Hậu Giang mà cả nước, cả hệ thống chính trị phải quan tâm, thực hiện ngay, thực hiện hiệu quả trong thực tế thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong đó, thông điệp về  kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như một lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Bên cạnh đó, cải cách mô hình tổ chức tổng thể của cả hệ thống chính trị với mức độ, quy mô của một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy.

Tới đây, Trung ương phải gương mẫu đi đầu trong sắp xếp từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành. Trung ương như thế nào thì địa phương như như thế đó, để giảm bộ máy cồng kềnh, hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.

Đồng thời, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu thực hiện hiệu quả thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số với toàn dân, toàn xã hội để mọi người biết sử dụng, biết tự bảo vệ mình. Trước đây có bình dân học vụ để xóa mù chữ, hiện nay cần có bình dân học vụ để phổ cập về chuyển đổi số.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thông điệp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mang tính thức tỉnh sâu sắc; đây không chỉ vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chứng kiến Tổng công ty Dầu Việt Nam tài trợ UBND thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chứng kiến Tổng công ty Dầu Việt Nam tài trợ UBND thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TTXVN

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chứng kiến Tổng Công ty Dầu Việt Nam trao 4 tỷ đồng tặng thành phố Vị Thanh hỗ trợ địa phương có thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trải qua chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (22/12/1944-22/12/2024), Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang nói riêng đã xây đắp nên truyền thống quý báu, vẻ vang: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tỉnh uỷ Hậu Giang, các ban, ngành cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, chủ trương của Quốc hội để quan tâm chăm lo cho lực lượng quân sự địa phương từ tỉnh, huyện đến xã thật sự là lực lượng tinh nhuệ, trong sạch vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang nêu cao hơn nữa truyền thống, phẩm chất bộ đội cụ Hồ, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội; cảnh giác phát hiện âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang cần quan tâm chính sách hậu phương, chăm lo gia đình chiến sĩ gặp khó khăn. Tiếp tục xây dựng lực lượng tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng được yêu cầu tình hình hiện nay để bảo vệ Tổ quốc một cách tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất; đồng thời, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp đi đôi với tinh gọn bộ máy tổ chức.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.