Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân và 53 năm ngày truyền thống của Binh chủng Đặc công, chiều 16/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp mặt 67 tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, chiến sĩ đặc công tiêu biểu qua các thời kỳ cách mạng.
Trong không khí thân tình và đầm ấm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng và xúc động khi gặp các cựu chiến binh Bộ đội Đặc công - những người đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi tới các cựu chiến binh đặc công những tình cảm chân thành, lời cảm ơn sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Nhắc lại lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày công bố thành lập Binh chủng Đặc công, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn ghi nhớ, trân trọng công ơn, sự hy sinh, những cống hiến to lớn, đóng góp quý báu của các thế hệ cựu chiến binh Việt Nam, trong đó có cựu chiến binh đặc công trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thực hiện nhiệm vụ quốc tế và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà các cựu chiến binh đặc công đã đạt được; đồng thời đánh giá cao vai trò của Ban liên lạc Cựu chiến binh Bộ đội Đặc công trong suốt thời gian qua đã tập hợp lực lượng cựu chiến binh Bộ đội đặc công trên cả nước, tổ chức các chuyến đi ý nghĩa và nhiều hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, giúp nhau thoát nghèo, đặc biệt là tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng đội đưa về địa phương, về với thân nhân, gia đình… Qua đó, góp phần nâng cao truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng, trong đó có việc thực hiện chính sách đối với cựu chiến binh cũng như hoạt động của các hiệp hội, tổ chức thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, các đối tượng người có công được mở rộng, chế độ ưu đãi từng bước được nâng cao, công tác chăm sóc người có công ngày càng hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia.
Trong hoạt động của mình, Quốc hội luôn coi trọng đặc biệt đến chính sách đối với người có công. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo xem xét, sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả các chính sách pháp luật nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất và bảo đảm công bằng, hợp lý trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, cũng như thân nhân người có công.
Nhấn mạnh sự đóng góp của các cựu chiến binh đặc công là to lớn, là niềm tin, niềm tự hào, Chủ tịch Quốc hội mong các cựu chiến binh tiếp tục tổ chức tốt việc giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho cựu chiến binh giữ vững và phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhân dân. Lực lượng Cựu chiến binh đặc công nói riêng và cựu chiến binh cả nước nói chung phải luôn vững mạnh, tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng, của Nhà nước và của Nhân dân, gương mẫu, nêu gương cho con cháu, thế hệ trẻ…
Mỗi cựu chiến binh luôn là một nhân tố tích cực trong xã hội, góp phần thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ để thế hệ trẻ sống có lý tưởng, hoài bão, có ý chí phấn đấu vươn lên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân…