Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở sau sắp xếp

PV - 21:21, 24/02/2022

Ngày 24/2, làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần quan tâm tiếp nhận và đánh giá kỹ phản ánh của cử tri và nhân dân về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019- 2021, trong đó đánh giá kết quả, chất lượng cung cấp dịch vụ công, phục vụ người dân, xem đây là một kênh hết sức quan trọng để đánh giá hiệu quả thực chất của việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại cuộc họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Đoàn giám sát và Tổ giúp việc trong triển khai các công việc bước đầu của chuyên đề giám sát, cho thấy “đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp yêu cầu của thực tiễn nên cơ bản đã đi vào cuộc sống”.

Đánh giá kỹ chất lượng dịch vụ công

Cơ bản nhất trí với kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nhất là báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, cần bổ sung đánh giá của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc về tác động của việc sắp xếp đơn vị hành chính đối với người dân, tham khảo ý kiến của người dân đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính vừa qua.

Cho rằng cần quan tâm phản ánh của cử tri và nhân dân nói gì về việc này, đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công, phục vụ người dân sau sắp xếp các đơn vị hành chính như thế nào, sự đồng thuận của người dân ra sao… và xem đây là một kênh hết sức quan trọng để đánh giá hiệu quả thực chất của việc sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích, làm rõ cách làm vừa qua có chỗ nào chủ quan, duy ý chí không, có chỗ nào gượng ép không?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Đoàn giám sát cần yêu cầu Bộ Nội vụ có báo cáo đánh giá cụ thể hơn, làm rõ thêm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở sau sắp xếp.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý Đoàn giám sát yêu cầu các bộ, ngành làm rõ chi tiết hơn chi phí để sắp xếp đơn vị hành chính, ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương bố trí cho các xã, huyện sau sắp xếp có so sánh với giai đoạn trước tiết kiệm được bao nhiêu...

Về quản lý tài sản công, Chủ tịch Quốc hội cho rằng mới chỉ là phương án, còn chung chung, cần yêu cầu xây dựng báo cáo độc lập và chi tiết, tránh tình trạng lãng phí và kể cả thất thoát tài sản công; làm rõ lộ trình giải quyết xong dôi dư cán bộ cấp huyện, xã sau sắp xếp.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng, nhất là người đứng đầu các địa phương trong việc triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn tới; nghiên cứu xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương về chủ trương chung, cùng với chuyên đề giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Trung ương việc triển khai trong giai đoạn tới.

Chương trình làm việc với Đoàn giám sát nhằm tiếp tục hoàn thiện báo cáo bước đầu, phục vụ phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 3/2022.

Giảm gần 3.500 cơ quan cấp xã và hơn 400 cơ quan cấp huyện

Báo cáo kết quả bước đầu việc triển khai chuyên đề giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua báo cáo của Chính phủ và các địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã thật sự gắn với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Trong đó, về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sau khi sắp xếp, cả nước giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện; giảm được 706/2.411 cán bộ, công chức cấp huyện, 9.694/20.403 cán bộ, công chức cấp xã và 8.448/14.233 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Bên cạnh đó chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, qua đó, đã giảm 16.321/86.282 thôn, tổ dân phố và tương ứng giảm 48.963 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (chỉ tính tại 45 tỉnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính).

Về ngân sách nhà nước, các cơ quan của Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2019-2021 đã tiết kiệm chi khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng (gồm: giảm chi tiền lương và phụ cấp là 787,84 tỷ đồng; giảm chi hoạt động là 344,79 tỷ đồng) và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng.

Từ kết quả nói trên có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc như: mở rộng phạm vi địa bàn quản lý, khối lượng công việc về thủ tục hành chính, nhu cầu sử dụng dịch vụ công tăng, trong khi số lượng cán bộ, công chức phải cắt giảm để bảo đảm số lượng theo quy định đã tác động không nhỏ công tác chỉ đạo, điều hành quản lý của đơn vị hành chính mới.

Thực trạng này thể hiện rõ tại các huyện, xã thuộc khu vực miền núi, nông thôn có diện tích lớn, địa hình chia cắt, nhiều đồi núi, sông suối, dân cư rải rác, giao thông đi lại khó khăn. Việc khám, chữa bệnh của người dân cũng gặp khó khăn do khoảng cách đến trạm y tế của một số nơi còn xa.

Bên cạnh đó, việc đổi tên các đơn vị hành chính ít nhiều gây xáo trộn đến bản sắc riêng của địa phương về phong tục, tập quán, sinh hoạt, sản xuất; đến tâm tư, tình cảm của cộng đồng dân cư, thiết chế văn hóa,…

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.