Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân liệt sĩ và đông đảo các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, thầy thuốc Ban Dân y Khu 5.
Cuối năm 1946, để chuẩn bị kháng chiến lâu dài, Đảng ta chủ trương điều động một số thầy thuốc giỏi vào bổ sung cho chiến trường miền trung và miền nam. Trên chiến trường Nam Trung Bộ, các thầy thuốc Ban Quân-Dân y Khu 5 vừa tận tâm, tận lực thực hiện sứ mệnh cứu người, vừa dũng cảm cầm súng chiến đấu bảo vệ thương binh, đồng đội, nhân dân.
Khi đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, các trận đánh lớn của ta liên tục diễn ra trên khắp các chiến trường. Để bảo đảm an toàn, các bệnh xá quân dân y đều được xây dựng tại các khu vực bí mật, có hệ thống công sự, hầm hào, đủ khả năng cho thương binh, bệnh binh trú ẩn. Trong hầm tối, giữa rừng sâu, những ca mổ “sống”, những lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cấp tốc được tổ chức, kịp thời bổ sung hàng trăm y tá, dược sĩ cho chiến trường. Tháng 6 năm 1962, Ban Quân-Dân y Khu 5 tách ra thành Ban Dân y và Ban Quân y, song các lực lượng vẫn thường xuyên gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Với các phương tiện, trang bị thô sơ như cối đá, thùng phun, nồi nước cất, các loại dược liệu, các cán bộ dược đã mày mò, nghiên cứu sản xuất được hàng nghìn lít cồn, hàng chục nghìn cuộn băng và rất nhiều thuốc uống, dịch truyền, novocain tiêm...
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, kẻ địch khủng bố, đàn áp dã man ở khắp mọi nơi, thuốc men, vật tư y tế khan hiếm, khiến công tác điều trị, cứu chữa thương binh, bệnh binh gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách, các thầy thuốc đã bất chấp hiểm nguy tìm kiếm nguồn dược liệu về chiết xuất, bào chế thuốc, giúp cán bộ, chiến sĩ vượt qua bệnh tật, tiếp tục đứng lên chiến đấu. Hàng nghìn cán bộ, nhân viên của Ban đã anh dũng chiến đấu, hi sinh và bị thương, dù bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man vẫn luôn giữ vững khí tiết cách mạng.
Nhiệm vụ hoàn thành, sau ngày giải phóng, Ban Dân y Khu 5 giải thể. Cán bộ, nhân viên của Ban có người phục viên, chuyển ngành, có người tiếp tục gắn bó với nghề y, trở thành thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân, giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành, giám đốc các công ty, doanh nghiệp, cơ quan... Với bản lĩnh, nghị lực của người thầy thuốc được tôi rèn trong lửa đạn chiến tranh, nay tuy tuổi đã cao song họ vẫn không ngừng phấn đấu, vươn lên, góp sức xây đời, nêu gương để con cháu học tập, noi theo.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước nhấn mạnh chủ trương đúng đắn của Đảng ta và Nhà nước điều động những thầy thuốc giỏi, có chuyên môn kinh nghiệm tăng cường bổ sung cho chiến trường miền trung và miền nam. Lịch sử ra đời và phát triển của Ban Dân y Khu 5 gắn liền với cuộc kháng chống Mỹ, cứu nước vô cùng khó khăn, gian khổ, hy sinh.
Chủ tịch nước bày tỏ tri ân các thế hệ thầy thuốc đã vượt qua khó khăn, gian khổ trong kháng chiến để có mặt trên khắp các chiến trường, chăm sóc, cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân. Ban Dân y Khu 5 đã nghiên cứu sản xuất được các loại vaccine chống dịch bệnh, nhiều loại thuốc và trang thiết bị y tế. Suốt từ năm 1965 đến 1975, những cống hiến, hi sinh của lực lượng Y tế Khu 5 góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch nước nhắc đến những tấm gương cán bộ, y, bác sĩ, chiến sĩ Ban Dân y Khu 5 mà cuộc đời hoạt động cách mạng để lại niềm cảm hứng lớn lao cho các thế hệ sau, nhất là đội ngũ bác sĩ, thầy thuốc trẻ như: Bác sĩ Trần Dzũ; Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên; Bác sĩ, Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm, Kỹ sư Vũ Đức Minh, v.v... vẫn được mọi người yêu mến, tri ân.
Chủ tịch nước khẳng định, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là minh chứng cho sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những thành tích đặc biệt xuất sắc mà các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và thầy thuốc Ban Dân y Khu 5 đã đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Để làm tốt hơn nữa công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân Ban Dân y Khu 5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét việc đầu tư, tôn tạo, nâng cấp khu Di tích Ban Dân y Khu 5 để nơi đây trở thành địa chỉ truyền thống của cách mạng và của ngành y, góp phần giáo dục lịch sử, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ ngành y nói riêng.
Đáng chú ý, Chủ tịch nước đề nghị ngành y tế phát huy truyền thống trong kháng chiến, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm đúng quy định pháp luật để không thiếu thuốc, không thiếu vật tư y tế; đặc biệt là bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng để phục vụ sức khỏe cho nhân dân, phòng chống các loại dịch bệnh đang diễn ra.
Phát huy tinh thần truyền thống ngành y tế Việt Nam và lương y Khu 5; thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "lương y như từ mẫu", Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình quân dân y kết hợp, nhất là địa bàn vùng sâu vùng xa cần tăng cường lực lượng quân y đóng quân tại đây để hỗ trợ khám chữa bệnh và điều trị cho người dân, phù hợp với điều kiện và tình hình của địa phương.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thầy thuốc Ban Dân y Khu 5; tránh việc để các đồng chí gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Bởi hiện nay số lượng các đồng chí trong Ban Dân y không còn nhiều và đều tuổi đã cao. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, nỗ lực để các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của địa phương./.