Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

PV - 22:45, 02/11/2021

Chiều 2/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cùng dự có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và tỉnh Ninh Bình.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trước tình hình khó khăn do dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp và đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,7%, vượt kế hoạch đề ra; sản xuất công nghiệp tăng 7,06% so với năm 2020. Đến hết năm 2021 có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách năm 2021 dự kiến vượt kế hoạch (ước khoảng 19 nghìn tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phát triển về cả chất và lượng, doanh thu và lợi nhuận tăng dần, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã giai đoạn 2013-2021 có bước phát triển vượt bậc; thu nhập tăng 5 lần so với năm 2013; đã khẳng định được vai trò, vị thế trong xã hội, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị và đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 421 hợp tác xã, khẳng định ưu thế và vai trò đối với phát triển kinh tế hộ thành viên nói riêng và kinh tế nói chung. Tư cách thành viên, quyền lợi và nghĩa vụ giữa thành viên với hợp tác xã cụ thể, đầy đủ, minh bạch.

Tuy nhiên, các hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; thiếu dự án quy mô lớn; năng lực quản lý, hoạt động và khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế; chưa có sản phẩm mạnh đủ sức cạnh tranh; số mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều, việc liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho thành viên hợp tác xã còn hạn chế.

Căn nguyên do năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã còn yếu và thiếu nguồn lực, nhân lực, vốn, trình độ, năng lực và kinh nghiệm; vai trò kết nối giữa các thành viên với nhau và với thị trường còn hạn chế; liên kết, liên doanh còn ít, hiệu quả chưa cao. Phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, tự do; ít mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa. Tâm lý, thu nhập người lao động thấp, chưa ổn định; tay nghề lao động dần bị mai một…

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước biểu dương những thành quả toàn diện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cả trước mắt và lâu dài, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống người dân càng nâng cao. Đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, nhất là công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ; quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng; chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa, xây dựng nhiều công trình văn hóa xã hội để phục vụ phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của vùng đất lịch sử địa linh nhân kiệt. Chủ động chống dịch, thực hiện tốt mục tiêu kép Chính phủ đề ra. Toàn tỉnh chỉ có 2 trường hợp mắc Covid-19 ở cộng đồng và đã nhanh chóng khống chế, không để lây lan; huy động các nguồn lực tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân từ đủ 18 tuổi trở lên; đặc biệt quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và phấn đấu năm 2022 tỉnh sẽ tự cân đối ngân sách.

Chủ tịch nước nhấn mạnh kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tác động, ảnh hưởng, ý nghĩa của hợp tác xã toàn diện và bao trùm cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, môi trường của nước ta; vai trò quan trọng của hợp tác xã đòi hỏi người lãnh đạo hợp tác xã cần có sự nhạy bén, năng động của một doanh nhân và trái tim vì cộng đồng.

Dẫn chứng cả nước đã có nhiều mô hình hợp tác xã hiệu quả và cạnh tranh, hỗ trợ cho nhiều hộ xã viên, xây dựng các liên kết phát triển, riêng Ninh Bình đã có 330 nghìn người đã tham gia kinh tế tập thể với thu nhập khá (chiếm gần 60% tổng số lao động của tỉnh) và thực tế qua khảo sát 2 mô hình hợp tác xã Bồ Bát và Sinh Dược, Chủ tịch nước khẳng định chúng ta đã có chiến lược hỗ trợ sự phát triển của hợp tác xã phù hợp với các quy định về bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tôn trọng các nguyên tắc của thị trường, không quay trở lại cơ chế bao cấp, phi kinh tế, áp đặt như hoạt động của hợp tác xã kiểu cũ, đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi”.

Cho rằng sự phát triển và quan tâm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành liên quan phải coi đây là nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo; phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình hợp tác xã về xã hội, số đông để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống nông thôn; tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hạn chế, bất cập về pháp luật, chính sách, kết nối, quản trị, tiếp cận đất đai, nguồn vốn, đào tạo lao động, công nghệ, thị trường…; có chiến lược cho sự phát triển bền vững của các hợp tác xã, nhất là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch.

Đề cập các yếu tố để hợp tác xã thành công như phải có một mô hình tổ chức hiện đại, kiểu mới, vượt lên hẳn tư duy về mô hình hợp tác xã truyền thống, phải “vốn hóa” được quyền lợi của hội viên; có tầm nhìn chiến lược để các hội viên có chung tầm nhìn chiến lược, cùng nhau đi xa; áp dụng các mô hình quản trị tổ chức như một doanh nghiệp hiện đại, cần thiết thuê ngoài các giám đốc điều hành có năng lực quản trị; phải thu hút nhân lực phải có tri thức, kỹ năng cao, cạnh tranh với các tập đoàn, doanh nghiệp khác, nhất là người trẻ, tâm huyết, có năng lực; mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại vào quản trị mới có thể tăng năng suất, sức cạnh tranh. Đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử cho hợp tác xã.

Nhấn mạnh kinh tế hợp tác xã phải gắn với thế mạnh địa phương, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Ninh Bình nói riêng và các cấp chính quyền nói chung tiếp tục tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13/TW về kinh tế tập thể, hợp tác xã; các cấp chính quyền, cấp ủy quan tâm hỗ trợ cơ chế, chính sách, nguồn lực để kinh tế tập thể, hợp tác xã có được vị thế và đóng góp quan trọng hơn trong các thành phần kinh tế. Các ngành, địa phương hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận thị trường, liên kết chuỗi cung ứng, chi phí đào tạo, nguồn nhân lực, quản trị, nguồn vốn…

Đối với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã địa phương, Chủ tịch nước đề nghị cần phát huy vai trò trong đào tạo, huấn luyện, hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh…; đặc biệt làm cầu nối giữa Nhà nước và hợp tác xã. Củng cố Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với tầm nhìn là liên minh của tổ chức đại diện cho hơn 30 triệu xã viên; tổng kết lý luận, tổng kết mô hình, phổ biến cách làm, tập hợp những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ, đề xuất sửa đổi một số cơ chế chính sách phù hợp tình hình thực tiễn.

Chủ tịch nước cho rằng, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm từ mô hình thành công nhiều hợp tác xã của Việt Nam để có mô hình tốt, tầm nhìn dài hạn, lợi ích chia sẻ bền vững giữa thành viên hợp tác xã - người lao động - khách hàng - người tiêu dùng - đối tác và đổi mới sáng tạo trên nền tảng tổ chức hiện đại theo cơ chế thị trường. Đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong vận động hội viên, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là nhân rộng mô hình.

* Trước đó, sáng 2/11, tới thăm điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 tại nhà văn hóa huyện Hoa Lư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Bình cùng sự chung tay ủng hộ tích cực của người dân đã giữ vững vùng xanh, làm tốt công tác xã hội hóa để nhanh chóng tiêm phủ vaccine cho người dân với quy trình bảo đảm an toàn, qua đó tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế và chuẩn bị tốt các điều kiện để mở cửa du lịch trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.