Chiều ngày 29/3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp về kết quả thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể. Nghị quyết số 13-NQ/TW là nghị quyết chuyên đề về kinh tế tập thể; xác định đây là một trong năm thành phần kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khẳng định chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng về vấn đề này. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao sự đoàn kết thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng như sự phát triển của tỉnh về phát triển kinh tế, xã hội. Đồng Tháp đã làm tốt công tác phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh thực hiện rất quyết liệt, với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Chủ tịch nước cho rằng, Đồng Tháp có sự tăng trưởng và giữ ổn định để phát triển, trong đó thể hiện rõ nét nhất là tái cơ cấu nông nghiệp. Sản phẩm OCOP Đồng Tháp đứng thứ ba cả nước.
Chủ tịch nước đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh hằng năm của Đồng Tháp. Tỉnh luôn có tinh thần cải cách, đổi mới tạo môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm, từ đó, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy luôn có sự đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.
Đồng Tháp đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết 13, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, điều này đã góp phần tích cực cho việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nộng thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Nhắc lại Hội quán cùng nhau làm du lịch tại thành phố Sa Đéc và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 tại Tháp Mười, Chủ tịch nước cho rằng, thu nhập của các hội viên, xã viên được tăng cao, cho thấy sức mạnh tổ chức công việc trong lĩnh vực kinh tế tập thể đạt kết quả bước đầu rất tốt. Thực tế đó cho thấy, Đồng Tháp có nhiều mô hình thành công, thể hiện rõ nét, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, tạo việc làm và tạo sự gắn kết cộng đồng.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng, quá trình phát triển của Đồng Tháp còn gặp một số khó khăn, thách thức, như: quy mô kinh tế còn nhỏ; cơ sở hạ tầng còn hạn chế; phát huy công nghiệp chế biến còn chậm.
Do đó, Chủ tịch nước đề nghị, Đồng Tháp phấn đấu là tỉnh tiên phong tinh thần đổi mới, năng động; khai thác tốt hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của địa phương; tiếp tục tạo lập lợi thế cạnh tranh mới, duy trì thứ hạng cao về môi trường kinh doanh, kết nối các tỉnh trong vùng và với Thành phố Hồ Chí Minh về hạ tầng, nguồn nguyên liệu, thị trường.
Tỉnh cần hoàn thiện quy hoạch tỉnh đồng bộ, khoa học, lâu dài; đồng thời tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để phát triển ngành nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới, trong đó có chủ trương tích tụ đất đai, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới cách thức sản xuất, tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực. Tỉnh cũng cần nhân rộng mạnh mẽ mô hình hợp tác xã kiểu mới để đề ra tiêu chuẩn nông sản sạch an toàn. Tỉnh tiếp tục quan tâm đời sống tinh thần của người dân; phát huy những tính khí, hào sảng của người Nam Bộ; tiếp tục giữ gìn phát huy tốt văn hóa đặc trưng, du lịch sinh thái của địa phương.
Đồng Tháp đã chú trọng trong xây dựng kinh tế tập thể, do đó, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần làm tốt hơn nữa để mang đến cuộc sống tốt hơn cho xã viên, người nông dân; cần có chương trình phát triển nhanh, quyết liệt về kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị. Các thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự phải mở rộng quy mô, quy hoạch tốt hơn trên cơ sở khai thác tốt đất đai để phát triển đô thị. Tỉnh cũng cần tiếp tục bố trí đội ngũ cán bộ tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo, đổi mới, đoàn kết, quyết tâm cao.
Tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình thực hiện kinh tế-xã hội của tỉnh và kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Đồng Tháp đã quyết liệt và linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành.
Năm 2021, thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội", tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo vệ và giảm thiểu thấp nhất tác động của dịch Covid-19 đến sức khỏe và tính mạng người dân, bảo đảm an sinh xã hội, nhanh chóng tái mở cửa kinh tế ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 2,22%. Quy mô kinh tế tiếp tục gia tăng, ước đạt 90.384 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng 3.847 tỷ đồng so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người ước đạt 56,4 triệu đồng. Trong năm 2021, tỉnh có thêm 104 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 97 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quý I/2022, tỉnh đã thành lập mới 3 hợp tác xã, lũy kế đến nay tỉnh có 215 hợp tác xã với hơn 55.000 thành viên. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 181 hợp tác xã, chiếm tỷ lệ 84,19%. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 1.000 tổ hợp tác với hơn 51.000 thành lập và 116 hội quán đang hoạt động với hơn 6.192 thành viên.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là 3.783,73 tỷ đồng, đạt 76,56%, cao hơn 1,21% so cùng kỳ (năm 2020 đạt 75,35%). Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 1/3/2022 là hơn 222 tỷ đồng, đạt 5,11%, cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 2,93%. Chỉ số PCI, PAPI, PAR-Index tiếp tục đạt thứ hạng cao, góp phần nâng cao hình ảnh địa phương, tạo nhiều động lực và sự tự tin trong điều hành kinh tế cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong giai đoạn 2001-2021, đã thành lập mới 210 hợp tác xã. Hợp tác xã đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp./.