Cần hiểu đúng về biến chủng mới
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana, Nam Phi ngày 24/11/2021, với tên gọi là B.1.1.529. Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định, là một biến chủng đáng lo ngại. Dựa trên những bằng chứng của các nhà nghiên cứu, cho thấy biến chủng này có một số đột biến làm thay đổi hành vi của chúng.
Biến chủng Omicron có đến 60 đột biến so với biến thể Vũ Hán ban đầu, trong đó có tới 50 đột biến không mã hóa, 8 đột biến đồng nghĩa. Đặc biệt, biến thể này có 32 đột biến về protein gai S, đây là yếu tố kháng nguyên chính của các loại vắc xin. Nhiều đột biến trong số đó đã không được quan sát thấy ở các chủng khác.
Theo ông Ulrich Elling, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện sinh học phân tử, thủ đô Viên (Áo): Nếu như biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm hơn Alpha là 60%, thì những ước tính ban đầu về biến chủng Omicron cho thấy nó có thể lây nhiễm hơn Delta 500%. Ông Ulrich Elling nhấn mạnh rằng: “Gần như không thể ngăn chặn điều này ngay cả khi áp dụng lệnh đóng cửa. Điều quan trọng là ở ý thức của mỗi chúng ta”.
Tại Việt Nam, dù chưa xuất hiện biến chủng này, nhưng các chuyên gia nhận định, nguy cơ xâm nhập là rất lớn, một khi biến chủng này vào Việt Nam sẽ khiến cho công cuộc phòng chống dịch của chúng ta căng thẳng hơn rất nhiều.
Không nên chủ quan
Theo thống kê từ Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 22/12, số ca nhiễm của nước ta là 1.571.780 ca. Số ca mắc mới mỗi ngày hiện vẫn đang ở mức cao. Trung bình mỗi ngày đều có thêm khoảng 15.000 ca mắc mới, trong đó Thủ đô Hà Nội đang là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất cả nước.
Mặc dù đang tiềm ẩn nguy cơ về một đợt “sóng thần Covid-19”, nhất là thời điểm cuối năm với dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Tết dương lịch, nhưng “có vẻ như” nhiều người vẫn rất chủ quan trước dịch bệnh.
Tại Hà Nội, tình trạng người dân không thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K vẫn diễn ra. Đặc biệt tại những địa điểm đông người như quán cà phê, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…
Mới đây, một video ghi nhận một nhóm thanh niên (khoảng 20 người) mặc đồng phục đen, tụ tập tại ga tàu điện Cát Linh, Hà Nội. Dù chưa rõ mục đích cụ thể, nhưng với việc tụ tập đông người, không bảo đảm giãn cách trong những ngày dịch bệnh đang tăng không ngừng số ca mắc mới là điều cần lên án.
Còn tại các quán ăn, cửa hàng cà phê, chợ dân sinh… tình trạng người dân chủ quan thể hiện rất rõ. Nhiều người vẫn đeo khẩu trang theo quy định, nhưng khi đi chợ lại tụm năm tụm ba, có những người ngồi nói chuyện, tán ngẫu như thể không tồn tại dịch bệnh. Đặc biệt, suy nghĩ xuất hiện ở nhiều người dân gần đây về việc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin là sẽ miễn dịch, không sợ nhiễm bệnh đang khá phổ biến.
Anh Phong, một người dân tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi tiêm mũi thứ 2 được 14 ngày, anh nghĩ “chiếc bùa” này sẽ giúp mình an toàn, không bị lây bệnh, nên đã đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ những người dân đang trong vùng cách ly. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, bao nhiêu triệu chứng của người nhiễm gồm sốt, ho, mỏi cơ, mất vị giác và khứu giác anh đều được nếm trải. Và khi test nhanh, anh được biết mình mắc Covid-19.
Anh Phong chia sẻ: “TP. Hồ Chí Minh mở cửa từng bước và cho nhiều ngành nghề, dịch vụ hoạt động trở lại. Tôi tin rằng rất nhiều người đã có suy nghĩ như tôi trước kia. Thế nhưng, tiêm đủ 2 mũi vắc xin không phải đã có "tấm khiên" miễn nhiễm. Tôi đã trải qua những ngày tháng lo âu, nếm cảm giác là F0 như thế nào. Giờ đây, mọi suy nghĩ về việc có vắc xin sẽ an toàn không còn nữa, nếu không cảnh giác với Covid-19 và đừng quên tuân thủ 5K”.
Thích ứng trong tình hình mới
Hiện nay chúng ta đang dần chuyển trạng thái từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh đang từng bước được khôi phục. Tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn còn rất phức tạp, luôn tiềm ẩn khả năng bùng phát ở bất cứ nơi đâu, bất cứ địa phương nào. Vì vậy, để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, mỗi chúng ta cần nêu cao ý thức phòng dịch.
Chưa bao giờ vai trò của một cá nhân lại được nêu cao đến thế và những điều tưởng chừng đơn giản, nhỏ bé lại có tác động đến xã hội nhiều như vậy. Trước thềm năm mới 2022, mỗi cá nhân chúng ta hãy nhìn lại bài học của năm 2021 để ghi nhớ và thay đổi. Hãy biết tự bảo vệ bản thân mình, đồng thời tuyên truyền tới những người xung quanh những điều đúng, cùng với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, sớm đẩy lùi đại dịch.