Theo thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Hòa Bình, vụ Đông - Xuân 2017 - 2018, toàn tỉnh có trên 960 con trâu, bò chết rét (chủ yếu là trâu, bò già và bê, nghé non); vụ Đông - Xuân 2018 - 2019 có gần 100 con trâu, bò chết rét, tập trung hầu hết ở các xã vùng cao của các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu và Kim Bôi.
Trước tình hình đó, vụ Đông - Xuân 2019 - 2020 công tác chuẩn bị, phòng ngừa trong chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh đã sớm được quan tâm, chú trọng. Theo ông Khà A Váu, Chủ tịch UBND xã Hang Kia, huyện Mai Châu cho biết: “Xã đã sớm triển khai văn bản chỉ đạo của huyện về việc hướng dẫn người dân làm chuồng trại tránh rét cho gia súc, quây chuồng trại bằng áo mưa hoặc bạt nhằm ngăn gió lùa. Đồng thời, mỗi gia đình đều tăng cường tích trữ thêm lương thực, trồng thêm cỏ voi trên diện tích đất vườn nhà để dự trữ thức ăn cho gia súc khi mùa Đông tới”.
Cụ thể, việc chăm sóc, bảo vệ gia súc trên địa bàn đã được Sở NN&PTNT tiến hành phối hợp chặt chẽ với địa phương thông qua văn bản. Chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, cùng người dân tiến hành củng cố lại hệ thống chuồng trại gia súc trước khi xuất hiện những đợt gió mùa. Đồng thời đôn đốc người dân dùng bạt che chắn chuồng trại; vệ sinh môi trường chuồng nuôi để phòng rét và phòng bệnh dịch; tiêm phòng các loại vắc xin định kỳ và bổ sung để nâng cao sức miễn dịch, phòng bệnh cho vật nuôi; tích trữ rơm sau mùa gặt; vận động các hộ chăn nuôi không được thả rông gia súc lên rừng cũng như chăn thả ngoài bãi trong những ngày nhiệt độ xuống thấp; hướng dẫn các hộ gia đình cho ăn thêm cám ngô, cám sắn, cám gạo nấu chín và nước muối để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, đảm bảo gia súc phát triển khỏe mạnh trong mùa Đông…
Là người chăn nuôi gia súc số lượng lớn trên địa bàn, chị Sùng Y Mai, xã Pà Cò, huyện Mai Châu cho biết: “Chúng tôi được cán bộ huyện hướng dẫn rất cẩn thận từ trước khi gió mùa về. Đây là thời kỳ khan hiếm thức ăn, vì vậy người dân chăn nuôi cần phải có nguồn lương thực dự trữ như: Rơm, thân, lá cây ngô, ngọn, lá mía, cỏ voi... Khi nhiệt độ xuống dưới 12oC không nên cho trâu, bò làm việc hoặc chăn thả tự do mà nuôi nhốt, chăm sóc tại chuồng. Hy vọng năm nay không quá rét để người dân chăn nuôi chúng tôi bớt khổ”.
Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có tổng đàn trâu, bò đạt trên 200.000 con, dê đạt trên 51.700 con. Chăn nuôi gia súc lâu nay là thế mạnh của tỉnh Hòa Bình để cung cấp sức kéo trong nông nghiệp và lấy thịt phát triển chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập và giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Việc đề cao công tác chủ động phòng chống rét cho gia súc trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp người dân chủ động, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản trong chăn nuôi.