Số lượng ít
Quý I/2020 đã đi qua với nhiều tổn thất về kinh tế rất nặng nề do dịch bệnh Covid-19, nhất là đối với hoạt động DN. Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 18,6 nghìn DN ngừng hoạt động có thời hạn và có 4,1 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong bối cảnh ảm đạm đó, tình hình hoạt động DN KH&CN lại khá khả quan. Số liệu của TCTK cho thấy, quý I/2020, cả nước có 2.788 DN trong lĩnh vực này đăng ký thành lập mới, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước; đồng thời, cũng chỉ có 256 DN giải thể.
Trước đó, theo thống kê của Bộ KH&CN, tính đến tháng 8/2019, cả nước đã có hơn 3 nghìn DN đủ tiêu chí để công nhận là DN KH&CN theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về DN KH&CN, ngày 1/2/2019 của Chính phủ. Như vậy, tính cả số DN thành lập mới thì hiện cả nước đã có gần 6 nghìn DN hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, vượt mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN, giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra.
Nhưng thực tế không phải vậy. Số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực KH&CN hiện không ít, nhưng DN KH&CN được cấp thẩm quyền công nhận lại đếm trên đầu ngón tay. Theo số liệu của Bộ KH&CN, cả nước hiện chỉ có 468 DN KH&CN được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN; còn các DN khác hoặc là “ăn theo”, hoặc không muốn “gắn mác” là DN KH&CN.
Đáng chú ý nhất là hiện có hàng nghìn DN dù có sản phẩm KH&CN nhưng lại chưa có tư cách pháp nhân là DN KH&CN. Theo thống kê của Bộ KH&CN, hiện có hơn 800 DN đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp nhưng chưa đăng ký chứng nhận DN KH&CN. Ngoài ra còn có hơn 1.400 DN phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin; hơn 400 DN đang hoạt động tại các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... cũng chưa được công nhận là DN KH&CN.
“Né mác” DN KH&CN?
Rõ ràng, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực KH&CN hiện không phải là ít, nhưng vì sao lại không có nhiều DN “mặn mà” đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này? Dù rằng, với DN KH&CN, Nhà nước có cơ, chế, chính sách ưu đãi tương đối hợp lý.
Cụ thể, theo quy định, DN KH&CN được miễn thuế thu nhập trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh; được vay vốn với lãi suất ưu đãi…
Dù cơ chế, chính sách nhiều, nhưng DN vẫn không mặn mà đăng ký DN KH&CN để hưởng những ưu đãi. Nguyên nhân đầu tiên là do tiêu chí để được công nhận là DN KH&CN còn khá khắt khe, nhất là với những DN mới thành lập. Cụ thể, theo quy định hiện nay, DN mới thành lập phải đạt tỷ lệ 30% tổng doanh thu của năm thứ nhất là từ sản phẩm công nghệ, năm thứ 2 phải đạt 50% và năm thứ 3 phải đạt 70%.
Đạt được tiêu chí này thì DN mới được cấp giấy chứng nhận là DN KH&CN. Có được giấy chứng nhận này thì DN mới được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi.
Ngoài ra, một lý do cũng khiến các DN có ý “né mác” là DN KH&CN do quy định, DN phải khai báo chi tiết về công nghệ, mô tả sáng kiến của mình. Vì không muốn mất thông tin, bí quyết quy trình công nghệ nên DN đành chấp nhận từ chối chính sách ưu đãi.
Những rào cản nêu trên khiến việc thúc đẩy phát triển DN trong lĩnh vực KH&CN đang gặp khó khăn rất lớn; mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 khó đạt. Trong khi đó, phát triển KH&CN là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng 4.0.