Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chính sách dân tộc: Những kết quả đáng ghi nhận

PV - 15:42, 28/08/2021

Khi sự phát triển hài hòa giữa các dân tộc được coi là một trong những động lực cơ bản cho sự phát triển bền vững, thì việc giải quyết tốt vấn đề dân tộc trở thành một nhiệm vụ chiến lược đối với tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.

Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây bắp cho đồng bào DTTS. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây bắp cho đồng bào DTTS. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Nhiều giải pháp hữu hiệu

Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS được các cấp ủy đảng, ban, ngành và các đoàn thể chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp hiệu quả.

Theo đó, tỉnh đã phân công các sở, ban, ngành kết nghĩa với các xã đặc biệt khó khăn và “điểm nóng” về an ninh chính trị. Các phòng, ban cấp huyện kết nghĩa với các thôn, làng để hỗ trợ xây dựng làng nông thôn mới. Đảng viên phụ trách giúp đỡ từng hộ nghèo; kết nghĩa giữa hộ người Kinh với hộ DTTS để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Tỉnh chủ trương gắn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, MTTQ các cấp đã phát động và triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Với những cách làm hay và mô hình hiệu quả, Gia Lai đã bước đầu thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS chiếm 40,1% thì đến năm 2020 đã giảm còn dưới 6,25%.

Đến nay, 100% xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; 84,07% tuyến đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được cứng hóa; 66,54% tuyến đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 60,51% tuyến đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Toàn tỉnh có 88 xã và 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; trên 90% thôn, làng đồng bào DTTS được định canh, định cư ổn định.

Các vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS cơ bản được giải quyết. Tỉnh đã có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS vượt qua khó khăn, tiếp tục được học tập. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, vận động kế hoạch hóa gia đình được chú trọng. Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa của các DTTS được quan tâm; các lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa được duy trì, tôn vinh. Các nguồn đầu tư, trợ giá, trợ cước, chính sách hỗ trợ đói giáp hạt, hỗ trợ cho đồng bào bị thiên tai, lũ lụt đảm bảo đúng đối tượng đã góp phần giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn.

Đội ngũ cán bộ người DTTS trong tỉnh đã qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở đã phát huy tốt hơn năng lực thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thời điểm cuối năm 2020, đội ngũ cán bộ DTTS trong toàn tỉnh có 5.301 người, chiếm 15,78% tổng số cán bộ. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, số lượng cán bộ là người DTTS giữ cương vị lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, nhà nước, các đoàn thể từ tỉnh đến cấp xã đều tăng.

Tỷ lệ cán bộ DTTS tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 12 đồng chí, chiếm 22,64%; cấp huyện có 139 đồng chí, chiếm 20,65%; cấp cơ sở là 1.077 đồng chí, chiếm 20,2%. Công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS được chú trọng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 956 tổ chức cơ sở Đảng, 3.310 chi bộ trực thuộc; 14.907 đảng viên là người DTTS, chiếm 24,4% tổng số đảng viên toàn tỉnh.

Bà Đinh Thị Drinh ở tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro) truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Bà Đinh Thị Drinh ở tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro) truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc ở Gia Lai vẫn còn những khó khăn nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS. Nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc còn hạn chế. Một số chương trình, chính sách dân tộc đã được phê duyệt, nhưng nguồn lực đầu tư phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu. Khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản giữa vùng DTTS và đô thị còn khá lớn. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, hộ cận nghèo người DTTS còn chiếm tỷ lệ khá cao.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, thiết nghĩ, chúng ta cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của công tác dân tộc, đoàn kết dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới cho cán bộ, đảng viên và người dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Tập trung phát triển y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào vùng DTTS. Tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng của vùng DTTS. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu các lễ hội truyền thống, văn hóa, những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng của tỉnh gắn với các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, đảm bảo ổn định để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm xây dựng, bảo đảm vùng có đông đồng bào DTTS cần có tỷ lệ, số lượng cán bộ, công chức là người DTTS phù hợp, đồng thời cán bộ lãnh đạo chủ chốt là người DTTS. Tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên DTTS và chính sách để thu hút sinh viên, nhất là sinh viên giỏi và sinh viên người DTTS về công tác ở vùng đồng bào DTTS. Quan tâm chăm lo chế độ, chính sách cho cán bộ vùng đồng bào DTTS để an tâm công tác.

Gắn kết chặt chẽ công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc với công tác tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng DTTS. Đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc, nhất là phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS và chức sắc, chức việc trong các tôn giáo. Coi trọng tính đặc thù, đặc điểm, tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào các DTTS khi giải quyết các vụ việc về an ninh nông thôn, tín ngưỡng, tôn giáo...

Tăng cường bám, nắm tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân để kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để kẻ địch tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết. Thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.