Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chính sách dân tộc góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt của vùng đồng bào DTTS và miền núi

Vũ Mừng - 05:54, 31/12/2024

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra ngày 30/12, tại Hà Nội, do Ủy ban Dân tộc tổ chức, các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến ở điểm cầu các tỉnh, thành phố đều thống nhất đánh giá: Chính sách dân tộc góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt của vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr cùng các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm: Y Thông, Nông Thị Hà đồng chủ trì Hội nghị.


Đại biểu các địa phương tham dự qua hệ thống họp trực tuyến
Đại biểu các địa phương tham dự qua hệ thống họp trực tuyến

Trong năm 2024, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt mục tiêu của năm và đã giảm so với cùng kỳ năm trước; mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Chương trình MTQG DTTS và miền núi được Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đảm bảo việc triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng. Mức sống của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi được cải thiện, góp phần củng cố và nâng cao lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2024
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2024

Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ngành đã đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc thời gian qua. Đồng thời phân tích nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế, như: công tác xóa đói, giảm nghèo tuy có tiến bộ, song tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; công tác giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp. Tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) tại nhiều bộ, ngành và các địa phương nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra...

Tại Điểm cầu tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ thông tin: Ước tính đến hết năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 2,61% (từ 9,20% năm 2023 giảm còn 6,59% năm 2024), trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 2,77% (từ 9,80 % năm 2023 giảm còn 7,03% năm 2024); tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 5,91% (từ 21,27 % năm 2023 giảm còn 15,36% năm 2024), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 4 - 4,5%). Dự kiến tiếp tục có 06 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; nâng tổng số xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 lên 20/59 xã; đạt 20/29 xã, đạt tỷ lệ 68,96% theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng bào dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình gìn giữ điệu hát ví, hát rang
Đồng bào dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình gìn giữ điệu hát ví, hát rang

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhìn nhận: Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc của tỉnh Hòa Bình vẫn còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại như kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn chậm phát triển; đời sống người dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn cao so với khu vực khác. Hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp, chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chất lượng sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh thấp.

“Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một số bất cập trong các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của Chương trình MTQG 1719; công tác tổ chức triển khai thực hiện một số Nội dung, Dự án, Tiểu dự án và giải ngân nguồn vốn Chương trình tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm; các địa phương còn gặp lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng triển khai văn bản hướng dẫn; các địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, do đa số là các huyện có nguồn thu ngân sách thấp, phần lớn phụ thuộc nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá.

Các đại biểu dự Hội nghị tại Điểm cầu tỉnh Bình Định
Các đại biểu dự Hội nghị tại Điểm cầu tỉnh Bình Định

Bám sát tình hình thực tế tại địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đề xuất: Cần tập trung vào các chỉ tiêu phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tiếp cận các dịch vụ xã hội chất lượng cao như: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng ½ bình quân chung của cả nước; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt từ 90-100%; Giải quyết từ 80 - 100% số hộ khó khăn đang thiếu đất ở, đất sản xuất. Bên cạnh đó, điều chỉnh giảm số lượng Dự án, Tiểu dự án, Nội dung thành phần trùng nhau và xem xét để lồng ghép, sắp xếp giữa 3 Chương trình MTQG cho phù hợp để dễ triển khai thực hiện. Có cơ chế thông thoáng và chính sách đủ mạnh để tăng cường hấp dẫn, thu hút đầu tư các doanh nghiệp và tăng cường năng lực các hợp tác xã vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng đặc biệt khó khăn để giúp đồng bào đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, phát triển vùng dược liệu quý, xây dựng và phát triển các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, qua đó thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng DTTS.


Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).