Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã giao khoán quản lý bảo vệ tổng diện tích trên 202 nghìn ha; với đơn giá chi trả bình quân từ 200 đến 380 nghìn đồng một ha/năm, gần 9 nghìn hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng ở tỉnh Kon Tum có thêm nguồn thu bình quân mỗi hộ từ 4 đến 6,5 triệu đồng.
Thấy được lợi ích, cùng với bảo vệ rừng, người dân, nhất là đồng bào DTTS đã tích cực tham gia vào việc trồng và chăm sóc rừng. Chỉ riêng trong năm 2016, người dân địa phương phối hợp với một số đơn vị chủ rừng đã thực hiện việc chăm sóc 1.700ha rừng, đồng thời trồng mới trên 1.200ha rừng thay thế.
Xã Đắc Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông có 3.700ha rừng tự nhiên, hầu hết diện tích thuộc diện được chi trả dịch vụ môi trường rừng nên toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn xã được quản lý bảo vệ tốt hơn.
Ông A Nhóc, Bí thư Đảng ủy xã Đắc TờKan cho biết: Những năm 2007, 2008 xã là một trong những địa bàn phức tạp trong việc mua bán, khai thác, cất giấu lâm sản. Khi có chủ trương giao đất, giao rừng, những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến xâm phạm rừng giảm hẳn. Bà con nhận thức, bảo vệ rừng, trồng rừng con cháu sau này mới có cuộc sống tốt. Trước mắt bà con còn được tiền phát dọn và đào hố, thứ hai là được tiền trồng rừng.
Cùng với việc tạo lập cơ sở kinh tế, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đang giúp các chủ rừng vốn đang rất khó khăn, hằng năm có thêm nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Theo các Công ty Lâm nghiệp tại địa phương, khi chưa có chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, ngân sách hằng năm cấp cho doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng chỉ có 15 nghìn đồng một héc- ta. Hiện, số tiền này là trên 200 nghìn đồng, có vùng đạt trên 300 nghìn đồng.
Ví dụ như vườn quốc gia Chư Mom Ray giờ đây mỗi năm được cấp thêm kinh phí trên 3 tỷ đồng, nên công tác bảo vệ rừng thuận lợi hơn. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp đơn vị chủ động hơn trong việc triển khai hoạt động quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là chi cho các hoạt đồng tuần tra, kiểm soát.
Tác động tích cực khác của dịch vụ môi trường, rừng là tăng hiệu quả giao khoán , với nguồn thu đáng kể cho các hộ gia đình địa phương đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Được biết, 5 năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã giải ngân cho các chủ rừng tới gần 400 tỷ đồng, UBND cấp xã giải ngân hơn 43 tỷ đồng.
KHOA ĐIỀM