Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chính phủ cho ý kiến về Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

PV - 19:37, 01/08/2019

Ngày 1/8/2019, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 7. Bên cạnh thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày dự thảo Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội phê duyệt.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Xác định tầm quan trọng của Đề án đối với đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số và người dân sinh sống trên địa bàn trọng yếu của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Xây dựng Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để chúng ta có được một bức tranh tổng quát về phương diện chiến lược phát triển, cơ chế chính sách, mục tiêu, hệ thống chỉ tiêu cụ thể và nguồn lực triển khai thực hiện trong giai đoạn tới”.

Thủ tướng Chính phủ cũng chia sẻ thông tin về quá trình xây dựng dự thảo Đề án, từ việc trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc  chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các nội dung cụ thể của Đề án. Trước khi trình bày tại phiên họp Chính phủ lần này, Thủ tướng đã giao cho Ủy ban Dân tộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương để xin ý kiến và báo cáo trực tiếp, xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Từ đó hoàn thiện các nội dung đề xuất, cơ chế, chính sách và giải pháp tổ chức thực hiện Đề án.

Bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao những giải pháp về cơ chế, chính sách đặt ra trong nội dung Đề án, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia riêng dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi tích hợp được các chương trình, chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi là hết sức cần thiết. Qua đó, thu gọn đầu mối quản lý, đảm bảo việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các nguồn lực đầu tư của Nhà nước. “Từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi đồng ý điều chuyển những nhiệm vụ có liên quan theo như nội dung Đề án để Ủy ban Dân tộc quản lý”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến nghị, trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả Đề án, Ủy ban Dân tộc nên có kế hoạch sắp xếp, bố trí lại cơ cấu tổ chức và cán bộ để thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

Cho ý kiến về Đề án, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đồng ý thống nhất với nội dung và các giải pháp đặt ra. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể để bố trí nguồn lực, đảm bảo thực hiện các nội dung của Đề án.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng hoan nghênh cách làm và kết quả trong việc triển khai xây dựng Đề án của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến và Ủy ban Dân tộc. Thủ tướng thống nhất tên gọi và nội dung Đề án; giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến và Ủy ban Dân tộc  tiếp thu ý kiến hoàn thiện Đề án, báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp Toàn cảnh phiên họp.

Cũng trong chương trình phiên họp, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến về một số nội dung khác như: Vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 51/NQ-CP về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công của các bộ, cơ quan, địa phương; phương án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị xây dựng nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần…

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục chuyển biến tích cực. Bức tranh vĩ mô tiếp tục có chiều hướng tốt. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%. Xuất siêu 1,8 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Khách quốc tế tháng 7 tăng gần 8%. Công tác an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được chú trọng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Số hộ phát sinh thiếu đói giáp hạt giảm gần 32% so với cùng kỳ.

HƯƠNG TRÀ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.