Câu chuyện kể hồn nhiên của chị Hoàng Thị Sao, dân tộc Tày, thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trong chuyến công tác của tôi đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Bộ đội Biên phòng đã cho thấy những đóng góp to lớn của Bộ đội Biên phòng đối với dân, với nước.
Là hộ kinh doanh nhỏ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, chị Sao cũng như nhiều người dân ở Pác Bó phấn khởi, hào hứng khi được mời ăn cơm trưa với các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Là địa danh lịch sử, với phần lớn dân số là đồng bào DTTS số sinh sống, Pác Bó đang trên đường đổi mới nhờ phát triển du lịch, dịch vụ. Khoảng 10 năm về trước, đời sống của Nhân dân vô cùng khó khăn, nay đã khấm khá hơn nhiều so với trước. Có được đời sống mới, người dân luôn biết ơn Bộ đội Biên phòng cầm tay, chỉ việc. Từ giúp dân làm nhà, làm đường, vận động trẻ em đi học, vận động người dân không đi theo kẻ xấu, chỉ dạy cách làm ăn…
Có đặt chân đến những bản làng nơi biên cương của Tổ quốc, mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, sự hy sinh đối với dân, với nước mà các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới trải qua. Tôi không thể quên hình ảnh các chiến sĩ quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Mường Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La với nhiều hoạt động thiết thực, cảm động đã thắp sáng ước mơ học tập cho biết bao trẻ em DTTS nghèo. Cậu bé Giàng Động Tủa, mồ côi bố mẹ từ nhỏ, được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn đón về nuôi. Tủa được đi học, được rèn luyện trong môi trường quân đội. Đồn Biên phòng Mường Lạn giờ đã thực sự là ngôi nhà ấm áp của em.
Nuôi ăn, nuôi ở, dạy chữ, rèn nết người, cho các em đến trường… đó là những câu chuyện cảm động mà cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Mường Lạn đã làm cho Nhân dân, vì Nhân dân. Không chỉ vậy, tôi còn ấn tượng bởi lớp học xóa mù chữ trên đỉnh biên cương do các thầy giáo quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Mường Lạn đứng lớp luôn sáng đèn để mang lại con chữ cho đồng bào nghèo.
Đến thăm và chúc Tết các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh khẳng định: Bộ đội Biên phòng là điểm tựa của dân và ghi nhận sự hy sinh, đóng góp to lớn của Bộ đội Biên phòng đối với đất nước. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đã động viên các chiến sĩ biên phòng vượt qua khó khăn, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Với sự vận động, tuyên truyền của lực lượng Bộ đội Biên phòng, đồng bào các dân tộc đã cùng góp sức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Ông Voòng Phúc Niệp, Người có uy tín thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Tôi tình nguyện tham gia vào đội tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc để cùng Bộ đội Biên phòng giữ gìn biên giới bình yên, giữ gìn từng tấc đất quê hương”. Theo ông Niệp, hằng tháng ông đều đi tuần tra cột mốc, hễ thấy có dấu hiệu gì bất thường là báo ngay với Bộ đội Biên phòng để giải quyết. Là Người có uy tín, ông thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng để giải quyết những mâu thuẫn, an ninh trật tự trong thôn.
Ông Hoàng Văn Vân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bạch Đích bộc bạch: Anh em chiến sĩ luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với dân, với nước. Với ý chí, nghị lực cao, các cán bộ chiến sĩ luôn vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục phát huy truyền thống của Bộ đội Biên phòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao.
Có thể thấy, với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã góp phần giữ gìn bình yên khu vực biên giới; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc biên giới. Bộ đội Biên phòng đã có nhiều chương trình, mô hình, việc làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực hướng về đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã góp phần tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
THANH HUYỀN