Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền núi để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2022 và 2023, huyện Chiêm Hóa được giao 22,605 tỷ đồng.
Để dự án được thực hiện hiệu quả, đảm bảo đúng quy định, huyện Chiêm Hóa đã tập trung đẩy mạnh công tác trồng rừng theo hướng hàng hoá, trồng rừng thâm canh, đưa những giống mới có năng xuất cao vào trồng. Hàng năm, các hộ trồng rừng được UBND các xã trên địa bàn huyện phối hợp với đơn vị khuyến nông, kiểm lâm mở các lớp tập huấn về trồng rừng, tuyên truyền về lợi ích trồng rừng, coi rừng là hướng đi chính trong phát triển kinh tế ở. Hiện nay các xã đang tích cực tuyên truyền người dân tập trung chăm sóc diện tích rừng mới trồng và diện tích rừng cũ đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Như tại thôn Chản (Nhân Lý, Chiêm Hóa) có khoảng 400ha diện tích đất rừng sản xuất. Đây cũng là một trong ba thôn của xã Lý Nhân có diện tích đất rừng nhiều nhất xã. Thời gian qua, khi địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời triển khai các Dự án hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, người dân thôn Chản đã tích cực trồng rừng thay thế cho diện tích hoang hóa hoặc diện tích rừng tái sinh giá trị thấp. Đến nay, cơ bản toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp trong thôn đã phủ kín màu xanh của rừng. Hiện, thôn Chản có 66 hộ dân thì có tới 50 hộ tham gia trồng rừng, bình quân mỗi hộ trồng từ 1 ha đến trên 20 ha. Mỗi năm, có hàng chục ha rừng trên địa bàn đến tuổi khai thác đem về doanh thu hàng tỷ đồng, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhân Lý cho biết, những năm gần đây, nhờ công tác tuyên truyền và sự hỗ trợ tiích cực của chính quyền địa phương, người dân ở 9 thôn trong xã đã nhận thức đúng đắn về lợi ích thiết thực từ trồng rừng mang lại. Trung bình, mỗi năm toàn xã trồng mới được 70 ha rừng chủ yếu là: keo, bồ đề.
Để phát huy hiệu quả của kinh tế rừng, huyện Chiêm Hóa đặc biệt quan tâm tới phát triển ngành chế biến gỗ tại địa phương. Hiện, huyện có trên trên 100 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 48 cơ sở sản xuất có quy mô công suất chế biến lớn, điểm hình như: Công ty TNHH Thuận Gia Thành, công ty TNHH Sao Việt, doanh nghiệp tư nhân Toàn Phát…; cùng nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Những năm gần đây các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ xẻ, gỗ thanh tăng mạnh, các sản phẩm chế biến chủ yếu như: Dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván thanh, chế tác và đồ mộc gia dụng.
Các sản phẩm sau chế biến được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, một phần được xuất khẩu. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các cơ sở làm đồ mộc truyền thống cũng được huyện quan tâm duy trì, phát triển. Cùng với tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, các cơ sở, doanh nghiệp còn thu mua lâm sản từ các địa bàn lân cận để chế biến, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Anh Phạm Văn Khánh, thôn Bình Minh, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) cho biết, nhận thấy lợi thế từ vùng nguyên liệu sẵn có cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh đã mạnh dàn đầu tư máy móc mở xưởng bóc ván gỗ kết hợp băm dăm mảnh. Hiện nay mỗi tháng cơ sở chế biến lâm sản của anh bao tiêu gần 1.000m3 gỗ nguyên liệu cho người dân trong vùng; mỗi tháng cơ sở xuất bán khoảng 300m3 ván bóc sang thị trường Trung Quốc. Không chỉ đảm bảo thu nhập cho gia đình, cơ sở sản xuất gỗ của anh Khánh còn tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng và 15 lao động thời vụ.
Được biết, toàn huyện Chiêm Hóa hiện có trên 73.833 ha rừng. Trong đó, rừng sản xuất gần 56.212 ha; rừng phòng hộ 17.374 ha. Rừng đặc dụng 246ha trên tổng số địa bàn 21 xã, thị trấn. Để tận dụng tốt lợi thế này, thời gian tới, huyện Chiêm Hóa sẽ tập trung phát triển chế biến với phát triển sản xuất lâm nghiệp, thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, quy hoạch rừng gỗ lớn, tăng chất lượng giống cây nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ. Phối hợp với các ngành chức năng, lực lượng Kiểm lâm tăng cường quản lý rừng, kiểm soát việc kinh doanh lâm sản nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào hợp pháp trước khi đưa vào chế biến.
Đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chủ động thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển lâm nghiệp, hình thành liên kết từ cung cấp nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm sau chế biến mang lại giá trị kinh tế cao từ rừng.
Song hành với phát triển kinh tế rừng, thời gian qua, ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng và UBND các xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa còn tăng cường phối hợp, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Ông Kim Ngọc Tuyên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa cho biết: Thực hiện chủ trương của địa phương về việc quản lý bảo vệ rừng nhằm tạo một môi trường ngày càng trong lành và tăng thêm thu nhập cho bà con nhân dân, các thôn, bản thường xuyên tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cho từng hộ gia đình, lập quy ước hương ước của bản trong việc bảo vệ rừng. Đây được coi là nhiệm vụ chung chứ không phải riêng cá nhân từng hộ gia đình. Những trường hợp có hành vi chặt phá, đốt nương trái quy định sẽ bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.
Đặc biệt, huyện Chiêm Hóa đã tận dụng hiệu quả vai trò của những người đứng đầu bản, già làng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Để cho mọi người đều hiểu được rằng giữ được rừng là giữ được nguồn nước đầu nguồn phục vụ sinh hoạt cũng như canh tác, sản xuất nông nghiệp của người dân.
Với những nỗ lực đó của chính quyền và người dân địa phương, tình trạng nhân dân tự ý chặt phá cây rừng trái quy định đã không còn. Hiện tượng người dân đốt rừng làm nương cũng không có, nhân dân chung tay bảo vệ rừng đặc biệt là trong mùa khô khi mà nguy cơ cháy rừng xảy ra cao.
“Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa sẽ tham mưu chính quyền địa phương huy động các nguồn lực để phát triển rừng; tiếp tục triển khai giao khoán các diện tích rừng cho cộng đồng, người dân quản lý; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ các diện tích rừng hiện có, mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng rừng để nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống” ông Kim Ngọc Tuyên chia sẻ.