Theo Sở NN&PTNT Bình Định, việc để xảy ra những sai phạm nêu trên trước hết thuộc về trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, đứng đầu là Giám đốc BQL trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Trước đó, Sở NN&PTNT Bình Định đã có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về phát triển rừng, sử dụng rừng tại lô 2, khoảnh 11, Tiểu khu 98, xã Vĩnh Sơn, do BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý.
Cụ thể, việc BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh cho phép 5 nhân viên bảo vệ rừng Trạm Vĩnh Sơn trồng xen và khai thác cây keo lai, kết hợp trồng bổ sung cây sao đen trên diện tích rừng trồng phòng hộ 4,5 ha nhằm nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của nhân viên, trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do chủ quan, chưa nghiên cứu kỹ các quy định, BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã để xảy ra một số khuyết điểm, sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về phát triển rừng và sử dụng rừng như: Thực hiện nghiệm thu hằng năm không đầy đủ, không thực hiện nghiệm thu kết thúc công trình lâm sinh để đánh giá chất lượng rừng trồng đối với 3 công trình trồng, chăm sóc rừng...
BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh tự ý cho trồng xen cây keo lai trên diện tích 4,5 ha là thực hiện chưa đúng với hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng phòng hộ sau khai thác (trồng thuần loài cây sao đen) của Sở NN&PTNT và thực hiện chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 10 Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng. Việc này dẫn đến cây keo lai trong thời kỳ khép tán đã gây ra hiện tượng chèn ép cây sao đen, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây sao đen.
Ngoài ra, BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh còn tự ý cho phép khai thác cây keo lai trồng xen năm 2017 trên diện tích 4,5 ha nhưng không lập phương án khai thác gỗ theo quy định của Bộ NN&PTNT, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa thực hiện đúng quy định. Dẫn đến, việc khi khai thác cây keo lai để một số cây sao đen bị chặt, bị gãy, ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng sao đen.
Kết quả giám định tổng thiệt hại rừng trồng trên diện tích 4,5 ha là hơn 96 triệu đồng, đối chiếu với quy định chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh tự ý cho phép 5 nhân viên bảo vệ rừng Trạm Vĩnh Sơn trồng xen cây keo lai trên diện tích rừng trồng phòng hộ từ năm 2017 (kết thúc hành vi vi phạm), hiện nay đã hết thời hiệu nên không đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.