Hành vi ảo, hậu quả thật
Với các bậc phụ huynh, việc chia sẻ thành tích của con sau mỗi năm học, chỉ đơn giản là giúp con lưu lại những cột mốc đáng nhớ. Tuy nhiên, cũng chính từ hình ảnh những tờ giấy khen, bảng điểm học tập… những thông tin của con, từ tên tuổi, lớp học, hình ảnh, và nhiều dữ liệu liên quan khác của các con cũng vô tình được công khai trên nền tảng mạng xã hội.
Bên cạnh việc vô tình đặt lên vai con trách nhiệm và áp lực vô hình, hành động tưởng chừng như bình thường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, là điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu lợi dụng, từ đó thực hiện nhiều hành vi lừa đảo đa dạng, mà rất nhiều hệ lụy của nó đã liên tục được cảnh báo.
Trước hết, hành động này đã gián tiếp đưa trẻ đến nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng khi các thông tin cá nhân được đăng tải công khai. Những dữ liệu này có thể bị kẻ xấu thu thập, dùng cho các mục đích xấu, như: Trục lợi thông qua những hình ảnh của con, thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thậm chí là cả khủng bố trên không gian mạng.
Các bậc phụ huynh hẳn chưa quên được kịch bản lừa đảo tinh vi được phản ánh vào đầu tháng 3 năm nay. Hàng trăm phụ huynh bị các đối tượng tội phạm giả danh là giáo viên gọi điện thông báo học sinh bị tai nạn nguy kịch, cần phẫu thuật. Từ đó, đề nghị chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí mổ gấp cho trẻ. Không ít người vì quá lo lắng cho an nguy của con, để rồi trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này.
Nhắc về vụ việc lừa đảo hàng loạt này, khoan hãy nói đến hành vi tàn ác khi mang sinh mạng của con cái người khác ra để giăng bẫy của các đối tượng, một vấn đề lớn khác được đặt ra. Những kẻ xấu đã làm thế nào để có được thông tin của trẻ, để dùng chính thông tin đó là bàn đạp, tạo sự tin tưởng ban đầu cho các bậc phụ huynh?
Tại Hội thảo Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) tổ chức, bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Vncert, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, gần đây, có rất nhiều vụ lộ lọt thông tin cá nhân xảy ra phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Riêng đối với trẻ em, việc lộ lọt thông tin cá nhân có thể xuất phát từ nhận thức về việc chia sẻ thông tin. Hiện nay, nhiều cha mẹ, người lớn chưa lưu ý đến vấn đề chia sẻ thông tin của trẻ. Trong đó, việc đăng tải các thông tin như bảng điểm, lớp học, tên tuổi, thành tích của con đã giúp kẻ xấu dễ dàng tiếp cận được các thông tin cá nhân của trẻ và là nguyên nhân dẫn tới các vụ lừa đảo liên quan.
Cũng theo chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty Cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam, việc để lộ, lọt thông tin cá nhân có nhiều nguồn khác nhau. Một trong số đó là những thông tin từ cha mẹ, người thân khi để lộ thông tin con mình trên mạng xã hội.
Ngoài ra, cũng thông qua những thông tin được cha mẹ đăng tải, các đối tượng xấu còn có điều kiện nghiên cứu kỹ về các con, từ đó chính các con lại có thể trở thành đối tượng bị đe dọa. Từ việc hiểu rõ về tâm lý của trẻ, kẻ xấu có thể tiếp cận trẻ một cách dễ dàng, từ đó dần chiếm được sự thân thiết với trẻ, sau đó thực hiện các hành vi như bắt cóc, lợi dụng, xâm hại, đe dọa… Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý trẻ, đặc biệt là khi các con còn quá nhỏ, dễ bị tác động.
Cha mẹ nên chia sẻ thông tin con một cách thông minh
Bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em và những nội dung thuộc về quyền riêng tư của trẻ em không phải là vấn đề mới được đặt ra. Luật Trẻ em năm 2016 (đã có hiệu lực và đi vào thực thi được gần 6 năm) đã quy định rõ ràng về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bao gồm cả hành vi “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em” (Khoản 11, Điều 6).
Theo quy định, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em gồm: Các thông tin về tên, tuổi; hình ảnh cá nhân; tài sản cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em…
Cùng với đó, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cũng quy định trẻ em có quyền được giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng (Điều 29).
Song song với các quy định của pháp luật, theo bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, một trong những giải pháp để chống lộ lọt dữ liệu của trẻ em là chính từ ý thức của cha mẹ. Đặc biệt, trong thế giới số, với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, việc chia sẻ thông tin rộng rãi chỉ qua những thao tác đơn giản, các bậc phụ huynh nên thận trọng và tiết chế khi đăng tải thông tin, thành tích, hình ảnh của con lên mạng xã hội.
Để bảo đảm an toàn cho con, cha mẹ chỉ nên chia sẻ với nhóm bạn thân thiết, tin cậy, bạn đồng nghiệp, người thân. Đồng thời, cũng nên hỏi ý kiến của con, xem xét kỹ lưỡng và che bớt thông tin nếu cần. Điều này không chỉ bảo vệ thông tin cá nhân mà còn nhằm bảo đảm an toàn cho chính các con.
Cùng với đó, phụ huynh cần bình tĩnh, đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của tội phạm, không vội vàng cung cấp thông tin cá nhân, hay chuyển tiền cho người lạ khi chưa xác minh rõ thông tin. Trường hợp nghi vấn, phát hiện đối tượng lừa đảo thực hiện những hành vi đe dọa sự an toàn của trẻ, hay chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an để được hỗ trợ kịp thời.
Đồng thời, để phòng ngừa lừa đảo, dụ dỗ trẻ thông qua thông tin cá nhân của trẻ, điều quan trọng nhất chính là sự quan tâm của cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Chính những người thân sẽ đồng hành cùng con, từ việc nhận diện, xác định rủi ro và lắng nghe, chia sẻ nếu trẻ bị lừa gạt, để giảm thiểu những tổn hại và điều đáng tiếc xảy ra với con.