Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chi Lăng (Lạng Sơn): Phát huy vai trò của Người có uy tín trong giữ gìn bản sắc văn hóa

Văn Hoa - 15:34, 01/08/2023

Trên địa bàn huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) hiện có 158 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đây là những "cầu nối" quan trọng đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con ở các thôn, làng; là "hạt nhân" trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào thi đua, trong đó có việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh.

Người có uy tín huyện Chi Lăng đã luôn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Người có uy tín huyện Chi Lăng đã luôn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc


Là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Nùng ở thôn Nà Pất (xã Vân Thủy), nhiều năm nay, ông Hoàng Văn Minh đã vận động người dân giữ gìn tiếng nói, trang phục, những làn điệu hát sli, hát lượn của dân tộc mình.

Thôn Nà Pất có 171 hộ dân, 100% số hộ dân là đồng bào dân tộc Nùng. Đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Người có uy tín gần 20 năm nay, ông Hoàng Văn Minh luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hoàng Văn Minh cùng với Ban Công tác Mặt trận tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với thực hiện các quy ước, hương ước.

Nhờ đó, nhiều năm qua, thôn Nà Pất luôn đạt danh hiệu làng văn hóa tiêu biểu của huyện Chi Lăng. Năm 2022, thôn Nà Pất có gần 90% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Bản thân ông Hoàng Văn Minh dù bận rất nhiều công việc chung của bản, nhưng vẫn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Là người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Nùng, giỏi hát sli, hát lượn nên ông Minh luôn khuyến khích, động viên bà con trong thôn tích cực tham gia các Câu lạc bộ bảo tồn hát sli, hát lượn của xã Vân Thủy. Đặc biệt trong thôn có nghệ nhân văn hóa Lương Thị Nhọi truyền dạy hát sli cho các thành viên CLB hát sli của xã nên rất thuận lợi khi bà con trong bản cần trợ giúp về hát sli

Trên địa bàn huyện Chi Lăng, không chỉ ông Hoàng Văn Minh mà có rất nhiều Người có uy tín, vừa là nghệ nhân văn hóa, tâm huyết với việc bảo tồn vốn quý của dân tộc như ông Triệu Khay (dân tộc Nùng), thôn Chợ Hoàng, bà Nông Thị Phiên (dân tộc Tày) thôn Làng Nong, bà Lăng Thị Tích (dân tộc Nùng) thôn Đoàn Kết đều thuộc xã Thượng Cường; ông Nông Văn Phòng (dân tộc Nùng), khu Đoàn Kết, thị trấn Đồng Mỏ, ông Lương Văn Soong (dân tộc Nùng), thôn Tà Páo, xã Bằng Hữu…

Lễ ra mắt Câu lạc bộ hát then, sill, lượn khu Đoàn Kết, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Ảnh TL
Lễ ra mắt Câu lạc bộ hát then, sill, lượn khu Đoàn Kết, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Ảnh TL


Nhận định về vai trò của Người có uy tín trong giữ gìn bản sắc văn hóa, ông Nông Văn Tài, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội - Dân tộc huyện Chi Lăng cho rằng, Đội ngũ Người có uy tín giữ vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc, đặc biệt là việc trao truyền các giá trị văn hóa  cho lớp trẻ, bởi đây là lực lượng kế cận quyết định việc duy trì bản sắc văn hoá dân tộc. 

Người có uy tín còn là lực lượng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; từng bước vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá, dần xoá bỏ các tục lệ lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội trong vùng đồng bào DTTS.

Theo ông Nông Văn Tài, triển khai thực hiện Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cảu các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025, Người có uy tín cũng tham gia rất tích cực. Nhờ đó, tại nhiều thôn, bản, khu dân cư đã thành lập mới các câu lạc bộ truyền dạy hát sli, hát lượn, các đội văn nghệ trong các bản làng. Đơn cử, trong tháng 2/2023, tại khu Đoàn Kết, thị trấn Đồng Mỏ đã ra mắt Câu lạc bộ hát sil, then, lượn với 28 thành viên tham gia. Hằng tuần, vào những buổi tối rảnh rỗi, các thành viên CLB lại tổ chức sinh hoạt giao lưu văn hóa, truyền dạy các làn điệu hát sil, then, lượn.

Hay tại các xã Bằng Mạc, Vân Thủy, Chiến Thắng, Bằng Hữu đã tổ chức được 4 lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, hát sli, hát lượn, thu hút hơn 200 học viên tham gia. Đây chính là các hạt nhân để nhân rộng mô hình hát sli, hát lượn trên địa bàn huyện Chi Lăng.

Nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra tại Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc lần thứ I năm 2023 tại xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng
Nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra tại Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc lần thứ I năm 2023 tại xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng

Các CLB, đội văn nghệ tại các thôn, bản, xã, phường cũng thường xuyên tham gia giao lưu, biểu diễn trong những gipj lễ, tết như: Ngày hội chiến thắng Chi Lăng (10/10 hàng năm); Ngày hội Na Chi Lăng; Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc xã Thượng Cường; Lễ hội truyền thống xã Vân An; Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc xã Chi Lăng; Lễ hội truyền thống xã Vân Thủy; Ngày hội truyền thống xã Vạn Linh; Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc tại xã Bằng Mạc, Bằng Hữu...Qua đó, một mặt, góp phần tham gia phục dựng một số lễ hội truyền thống, một mặt duy trì, phát triển các CLB trong đời sống.

Có thể thấy, với trách nhiệm của mình, những Người có uy tín huyện Chi Lăng đã luôn nỗ lực gìn giữ, “truyền lửa” tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ; giúp thế hệ trẻ thêm yêu mến, trân trọng, tự hào về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình để tiếp tục giữ gìn và phát huy.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.