Rờ Kơi là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy. Xã có 6 thôn, làng với 7 dân tộc chủ yếu là Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng), Kinh, Gia Rai, Ba Na, Thái, Mường, Tày. Trong đó, dân tộc Xơ Đăng chiếm gần 90% dân số. Với đặc thù là nhiều bà con ở cùng buôn, làng là người trong dòng họ, lại thiếu hiểu biết về tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) nên trong những năm qua, tình trạng kết hôn sớm và kết hôn cùng huyết thống vẫn xảy ra tại địa phương.
Trước thực trạng đó, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp với xã Rờ Kơi, thực hiện Mô hình điểm nhân rộng “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2019-2020" tại xã Rờ Kơi. Đi đầu thực hiện mô hình là các Bí thư Chi bộ thôn (tổ trưởng), các thành viên: thôn trưởng, già làng (hoặc Người có uy tín), Chi hội phụ nữ thôn, cán bộ y tế thôn.
Là người con sinh ra, lớn lên tại xã Rờ Kơi, được chị em tín nhiệm bầu chọn làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị Y Huệ đã vận dụng những kiến thức mình được học, được hiểu để gặp từng hội viên, đến từng hộ gia đình để tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và HNCHT. Chị Y Huệ cho biết, với lợi thế là người dân địa phương, am hiểu tiếng của đồng bào nên có nhiều thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động bà con.
"Mặc dù công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhưng vẫn còn một số cặp nam nữ có ý định tảo hôn hoặc kết hôn chưa đủ tuổi. Tôi cùng cán bộ thôn tới tận nhà để vận động các em, phân tích cho các em và bố mẹ các em hiểu rõ về tác hại của việc kết hôn sớm để có biện pháp ngăn cản con em mình", chị Y Huệ chia sẻ.
Ngoài phương pháp tuyên truyền miệng tại các hộ gia đình, hay các buổi sinh hoạt thôn, chị Y Huệ cùng các cấp, ngành trên địa bàn xã còn tổ chức phát tờ rơi về nội dung phòng chống, giảm thiểu tảo hôn và HNCHT để bà con hiểu. Bên cạnh đó, chị còn kết hợp tuyên truyền thêm về các chương trình sinh sản, bình đẳng giới để nâng cao nhận thức cho chị em người DTTS.
Chị Y Trít ở thôn Đắk Đe, xã Rờ Kơi cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền xã, đặc biệt là chị Y Huệ đã tuyên truyền cho chúng tôi hiểu rõ hơn về tác hại của việc tảo hôn và HNCHT. Chị Huệ còn hướng dẫn chúng tôi về kiến thức sinh sản... nên chị em ở đây ai cũng quý chị.
Chính sự nhiệt tình và tâm huyết của chị Y Huệ mà xã Rờ Kơi ngày càng giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT. Theo báo cáo của UBND xã Rờ Kơi, trong 3 năm (từ 2016-2018), toàn xã có có 20 trường hợp tảo hôn thì đến năm 2020, chỉ còn lại 1 trường hợp tảo hôn.
Trao đổi với phóng viên, ông A Theng, Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết, từ khi thực hiện Mô hình điểm nhân rộng “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT vùng đồng bào DTTS” giai đoạn 2019-2020 tại xã Rờ Kơi đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Trước đây, xã là điểm nóng của tảo hôn và HNCHT, được sự vào cuộc của các cấp ngành, mà đặc biệt là phát huy vài trò của những cán bộ tại địa phương trong việc tuyên truyền và vận động người dân dần xóa đi các hủ tục lạc hậu trong đó có chị Y Huệ.