Huyết áp thấp là tình trạng huyết áp bị giảm xuống đột ngột dưới 90/60 mmHg. Những người bị huyết áp thấp có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, xây xẩm mặt mày, thậm chí ngất xỉu đột ngột.
Huyết áp thấp thường gặp ở những người ăn ít, hay bỏ bữa, khoảng cách giữa các bữa quá xa, dẫn đến giảm hàm lượng đường máu. Thói quen này làm giảm sự đàn hồi, sự dẻo dai của mạch máu dẫn đến kết quả là tụt huyết áp.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong điều trị huyết áp thấp và duy trì huyết áp ở mức bình thường. Vì vậy trong xây dựng chế độ dinh dưỡng, người bị huyết áp thấp cần phải biết huyết áp thấp uống gì, huyết áp thấp ăn gì thì tốt và đặc biệt cần kiêng những gì để không làm xấu thêm tình trạng sức khỏe.
Những thực phẩm tốt cho người bị huyết áp thấp
Quả ô liu
Quả ô liu có nhiều lợi ích sức khỏe vì chúng rất giàu vitamin E, sắt, đồng và dầu oliu là một nguồn chất béo có lợi cho tim mạch. Đồng thời, vị mặn cùa quả ô liu cũng giúp người bệnh có thể kiểm soát được huyết áp ổn định. Vì vậy quả ô liu có thể giúp làm tăng huyết áp tạm thời, đặc biệt là ở những người bị tụt huyết áp đột ngột.
Nho khô
Nho khô được coi là một biện pháp tự nhiên hiệu quả để điều trị huyết áp thấp. Chúng hỗ trợ tuyến thượng thận và duy trì huyết áp ổn định. Đối với người bị huyết áp thấp, việc tiêu thụ nho khô vào buổi sáng khi đói là lựa chọn tốt.
Gừng
Đây là loại gia vị rất phổ biến. Gừng có nhiều công dụng như kích thích tiêu hóa, giải cảm, lưu thông mạch máu… Vài lát gừng tươi, hoặc uống trà gừng mỗi ngày sẽ giúp cải thiện huyết áp thấp.
Cam thảo
Rễ cam thảo thu được từ cây Glycyrrhiza glabra là một phương thuốc truyền thống hiệu quả nhằm hỗ trợ điều trị huyết áp thấp. Nhờ đặc tính chống viêm và thích ứng hiệu quả, bột rễ cây cam thảo khi pha với nước ấm và uống thường xuyên có thể mang lại nhiều lợi ích cho người bị hạ huyết áp.
Hạnh nhân
Hạnh nhân ngâm qua đêm trong nước, bóc vỏ và xay nhuyễn, sau đó trộn vào một cốc sữa nóng. Việc uống hỗ trợ cải thiện tình trạng huyết áp thấp.
Thực phẩm chứa caffeine
Caffeine có trong cà phê, cola, chocolate nóng và chè đặc có khả năng tăng huyết áp.
Nước chanh
Nếu huyết áp thấp là do mất nước, nước chanh có thể giúp cải thiện tình trạng này. Chất chống oxy hóa trong chanh hỗ trợ lưu thông máu và duy trì huyết áp ổn định.
Muối chứa sodium
Muối chứa natri có khả năng tăng huyết áp. Hãy thêm một chút muối vào một ly nước và uống, tuy nhiên, cần hạn chế việc sử dụng liệu pháp này quá thường xuyên.
Húng quế
Lá húng quế có chứa nhiều kali, magie, vitamin C và vitamin B5 (axit pantothenic) có khả năng cải thiện và kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân huyết áp thấp. Để cải thiện huyết áp thấp bạn hãy nhai 4-5 lá húng quế vào buổi sáng sáng hoặc uống một thìa nước lá húng quế với mật ong đều đặn hàng ngày khi đói.
Thịt đỏ
Thịt đỏ như bò, thịt lợn cung cấp lượng sắt, vitamin B12 và protein, giúp người bị huyết áp thấp cải thiện tuần hoàn và tăng huyết áp.
Trứng
Trứng là nguồn cung cấp protein dồi dào, ngoài ra trứng còn chứa vitamin B12 và Folate, giúp hỗ trợ duy trì huyết áp ổn định.
Socola
Đặc biệt là socola đen, chứa chất flavonoid có lợi cho tim mạch và giúp tăng huyết áp một cách nhẹ nhàng.
Thực phẩm giàu vitamin
Khi lựa chọn các món ăn cho người bị huyết áp thấp, bạn nên ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin B12 và folate như cá, gan, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn các loại thực phẩm thực vật chứa vitamin B12 và folate như các loại ngũ cốc, rau lá xanh, bông cải xanh, các loại đậu, củ cải đường, trái cây họ cam quýt, quả hạch, măng tây, đậu, đậu lăng và mầm lúa mì.
Việc lựa chọn các loại thực phẩm này sẽ giúp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và hỗ trợ điều trị tình trạng huyết áp thấp.
Những thực phẩm không tốt cho người bị huyết áp thấp
Táo mèo
Đây là thực phẩm không tốt cho người huyết áp thấp mặc dù là loại rất tốt cho những người cao huyết áp.
Hạt dẻ nướng, sữa ong chúa
Hai thực phẩm này làm giảm huyết áp, vì thế người huyết áp thấp không nên ăn.
Cà chua
Mặc dù cà chua là loại quả giàu vitamin và dưỡng chất nhưng bạn cũng cần tránh sử dụng nếu mình bị huyết áp thấp. Cà chua sẽ khiến cho người huyết áp thấp gặp các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt tăng làm ảnh hưởng tới chất lượng công việc và cuộc sống. Do đó bạn nên hạn chế sử dụng cà chua và các sản phẩm từ cà chua như tương cà, sinh tố cà chua, các món ăn sốt cà,... để tránh bị tụt huyết áp.
Củ cải đường
Củ cải đường được người huyết áp cao sử dụng phổ biến. Bởi vì người huyết áp cao chỉ cần uống một ly nước ép củ cải đường sẽ thấy huyết áp giảm đáng kể. Lượng lớn nitrat có trong củ cải đường khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành nitrit – một chất thư giãn mạch và hạ huyết áp. Chính vì vậy, người huyết áp thấp không nên ăn, uống củ cải đường thường xuyên.
Mướp đắng
Các thành phần Charantin, Polypeptid-P và Vicine có trong mướp đắng có khả năng làm giảm huyết áp. Vậy nên, mướp đắng chỉ phù hợp với những người huyết áp cao và không được khuyến cáo sử dụng cho những bệnh nhân huyết áp thấp.
Các thực phẩm có tính lạnh
Như rau bina, cần tây, dưa, dưa hấu, đậu đỏ, đậu xanh, hạt hướng dương, tảo bẹ, hành tây đều có tác dụng hạ huyết áp, vì thế không nên ăn.
Đồ uống có cồn
Khi mới uống đồ uống có cồn, huyết áp có thể tăng lên do kích thích nhịp tim. Tuy nhiên nó lại làm mất nước và gây giãn mạch nên sau đó huyết áp sẽ giảm đi đột ngột, dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, lảo đảo rất nguy hiểm.
Lưu ý
Bạn nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều phần trong ngày để giảm tình trạng tụt huyết áp. Việc chia ra nhiều bữa ăn nhỏ có thể làm giảm lượng đường trong máu, giúp cơ thể tiêu hóa hiệu quả hơn và giúp điều hòa huyết áp tốt hơn.
Uống đủ lượng nước mỗi ngày để giúp cải thiện lượng máu, ngăn ngừa mất nước và giúp cân bằng điện giải, hạn chế tình trạng huyết áp thấp.
Vận động thể dục đều đặn, duy trì ít nhất 5 buổi/tuần, mỗi lần tập khoảng 30 phút.
Cần có thói quen sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức hay thay đổi tư thế đột ngột. Tư thế ngủ nên gối đầu thấp, chân cao.
Người bệnh cần hạn chế tối đa các hoạt động dưới trời nắng gắt, cần phải có thời gian nghỉ ngơi thường xuyên. Bổ sung thêm nước để đảm bảo cho các hoạt động của cơ thể.
Theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và thăm khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.