Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chế biến sâu - Giải pháp bền vững cho tiêu thụ nông sản vùng DTTS và miền núi: Dư địa lớn còn bỏ ngỏ (Bài 1)

Thúy Hồng - 18:19, 28/10/2021

Vùng DTTS và miền núi có lợi thế rất lớn về sản xuất các loại nông sản đặc trưng để chế biến và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực chế biến rau quả và một số các mặt hàng nông sản ở vùng DTTS vẫn còn hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư. Do hạn chế về năng lực chế biến, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản bị dư thừa, không thể tiêu thụ, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.

 Cà phê Arabica huyện Mường Ảng, Điện Biên có chất lượng cao, nhưng chủ yếu chỉ mới được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô
Cà phê Arabica huyện Mường Ảng, Điện Biên có chất lượng cao, nhưng chủ yếu chỉ mới được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô

Dư địa lớn...

Điện Biên là một trong những địa phương có nhiều nông sản đặc trưng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, như: Gạo tám thơm Điện Biên, cà phê Arabica Mường Ảng - Điện Biên, chè shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa...

Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp của địa phương này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Hiện nay, Điện Biên có 23 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng hoạt động chế biến của hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô sau thu hoạch nên giá trị sản phẩm không cao.

Lấy ví dụ như, đối với sản phẩm chè và cà phê là 2 loại nông sản có năng suất, chất lượng cao, mang tính chất vùng miền như: Chè Shan Tuyết cổ thụ Tủa Chùa (597ha), cà phê Arabica huyện Mường Ảng (hơn 3.700ha) với sản lượng hàng năm rất lớn. Đối với sản phẩm chè ước đạt 74,1 tấn, còn cà phê nhân đạt 7.964 tấn. Hiện các sản phẩm chè và cà phê mới chỉ là sơ chế thô để xuất khẩu. Một số doanh nghiệp đã chế biến cà phê bột, tuy nhiên sản phẩm còn chưa cạnh tranh được với một số sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Điện Biên cho rằng: Công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp hạn chế do 2 nguyên nhân chính: Năng lực doanh nghiệp nội tỉnh hạn chế và thiếu cơ chế chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư ngoài tỉnh.

Cam sành Hà Giang chủ yếu tiêu thụ quả tươi; vận chuyển chủ yếu theo phương pháp thủ công; chưa có các thiết bị thu hái, vận chuyển chuyên dụng nên dễ gây tổn thương bề mặt quả, khiến sản phẩm nhanh thối
Cam sành Hà Giang chủ yếu tiêu thụ quả tươi; vận chuyển chủ yếu theo phương pháp thủ công; chưa có các thiết bị thu hái, vận chuyển chuyên dụng nên dễ gây tổn thương bề mặt quả, khiến sản phẩm nhanh thối

Tại Hà Giang, cam sành là một đặc sản nổi tiếng khắp miền núi phía Bắc. Nhiều nông dân là đồng bào DTTS đã đổi đời nhờ trồng cam sành. Hiện nay, cam sành của Hà Giang được trồng với diện tích tập trung khoảng 7.000 ha, sản lượng ổn định 60.000 - 80.000 tấn/năm.

Mặc dù cam sành có giá trị kinh tế cao, là cây mũi nhọn, cây chủ đạo trong phát triển kinh tế, cây làm giàu của người nông dân, song hiện nay cam sành Hà Giang chủ yếu tiêu thụ quả tươi; vận chuyển chủ yếu theo phương pháp thủ công; chưa có các thiết bị thu hái, vận chuyển chuyên dụng nên dễ gây tổn thương bề mặt quả, khiến sản phẩm nhanh thối, mốc, gây tổn thất sau thu hoạch. Do vậy, chưa phát huy được hết tiềm năng phát triển, cũng như giá trị hàng hóa của cam.

Đối với Sơn La, bao năm qua được đánh giá như là “hiện tượng nông nghiệp" của cả nước là địa phương được kì vọng trở thành trung tâm chế biến nông sản của cả khu vực Tây Bắc. Toàn tỉnh Sơn La có hơn 78.800 ha cây ăn quả các loại và có 8 dự án nhà máy chế biến công suất lớn được khởi công và đi vào hoạt động.

Tuy nhiên với sản lượng nông sản khổng trên 150.000 tấn sản phẩm/năm thì công nghệ chế biến vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Thế nhưng, hầu hết sản phẩm nông sản chỉ mới xuất khẩu ở dạng thô, hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp. Hiện nay, nông sản trong nước mới có 20 - 30% qua chế biến xuất khẩu.

Người dân thu hái chè thủ công ở xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La
Người dân thu hái chè thủ công ở xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La

Tại Lạng Sơn, theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện các chính sách về ưu đãi hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào địa bàn.

Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa đạt như kỳ vọng. Hiện nay cả tỉnh Lạng Sơn mới chỉ có một vài doanh nghiệp nhỏ chế biến tinh dầu hồi và tinh bột thạch đen… Nguyên nhân, là do Lạng Sơn là tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, ngân sách tỉnh hạn hẹp, trong khi chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lại rất lớn. Hơn nữa, đặc thù đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lợi nhuận thấp, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp thường không ổn định, có nhiều rủi ro, nên khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư.

Hay như đối với tỉnh Bình Thuận cũng triển khai các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư nhà máy chế biến thanh long; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, Phan Văn Tấn, hiện nay trên địa bàn vẫn chưa có các tập đoàn lớn đầu tư vào chế xuất mà chỉ có các doanh nghiệp nhỏ lẻ của địa phương.

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, lĩnh vực chế biến rau quả chưa đáp ứng sản lượng sản xuất nông nghiệp hiện nay và vẫn đang là nút thắt trong chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Thời gian qua, nước ta mới chỉ tập trung cho các doanh nghiệp lớn khai thác chế biến nông nghiệp, chưa có cơ chế dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã quy hoạch khu vực chế biến ở gần khu vực trồng nguyên liệu.

Hiện các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản vùng DTTS và miền núi không chỉ khó khăn về cơ sở hạ tầng, mà còn đối diện với sự bất cập về phát triển vùng nguyên liệu. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết, bị cắt khúc bởi giới hạn địa giới hành chính… Hoặc nhiều vùng nguyên liệu đã được hình thành, nhưng lại thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng...

Do đó, để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị nông sản, trong thời gian tới cần có giải pháp khắc phục hiệu quả những bất cập trên.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.