Cân chanh bằng cốc trà đáĐã không còn là chuyện lạ khi mọi người dừng mua cam, quýt ở Cao Phong, Hoà Bình được các chủ quầy tặng thêm chanh đào. Chị Bùi Thị Hoa (35 tuổi) chủ một quầy trái cây trên Quốc lộ 6 thuộc xã Tây Phong (Cao Phong) cho biết: Năm nay, chanh đào rớt giá thê thảm nên nhiều gia đình ở Cao Phong đang chặt hạ vườn chanh hay bán tống bán tháo được đồng nào tốt đồng đó nhưng cũng chẳng có người mua.
Từ đầu vụ đến nay, giá chanh đào liên tục giảm mạnh, những vườn có khách mua sớm thì bán được giá từ 8.000 -10.000 đồng/kg, sau đó giá giảm dần. Hiện nay, giá chanh tại vườn chỉ bán được 3.000 - 4.000 đồng/kg, chỉ bằng cốc trà đá.
Năm 2015, ông Đặng Văn Biều (50 tuổi) ở xã Thống Nhất, TP.Hòa Bình mua hơn 3.000 cây chanh đào về trồng. Thời điểm đó, nhiều người đua nhau trồng tạo nên “cơn sốt” cây giống. Có lúc giá cây giống lên hơn 20.000 đồng/cây. Sau khi trồng được 2 năm cây bắt đầu cho thu hoạch. Vụ chanh năm ngoái, vườn nhà ông cho thu bói được vài tạ với giá trên 10.000 đồng/kg. Năm nay, số lượng cây cho thu hoạch tăng lên nên vườn của ông được khoảng 2 tấn quả. Vừa rồi ông gọi thương lái vào vườn xem chanh để bán nhưng họ đều kêu giá rẻ, chỉ trả 3.000 - 4.000 đồng/kg. Với công chăm sóc và thu hái như vậy thì người nông dân lỗ nặng.
Ông Biều xót xa: Không biết từ giờ đến cuối vụ có người mua hay không? Với giá chanh hiện nay, cuối vụ tôi định chặt bỏ hết chanh để ghép cam hoặc bưởi. Cũng như nhà ông Biều, nhiều gia đình ở Cao Phong và các huyện Kim Bôi, Tân Lạc khi thấy giá chanh đào rớt giá đã rục rịch phá bỏ diện tích cây chanh đào của gia đình.
Nguyên nhân do đâu?Từ Bắc Giang, Phú Thọ đến thủ phủ cây ăn quả Cao Phong (Hòa Bình)... bà con đang đứng trên “đống lửa” vì vườn chanh một thời thu tiền tỷ, giờ trở nên thất thu, thậm chí lỗ nặng. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là phát triển không có định hướng.
Những năm 2010-2014, thời điểm hoàng kim giá 1kg chanh đào bán tại vườn có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Cây chanh đào được ví như cây tiền triệu cho người nghèo, vì người nông dân chỉ cần cắm vài chục cây là sống ổn.
Tuy nhiên, cũng vì thế mà diện tích cây chanh đào liên tục được mở rộng không chỉ ở vùng Cao Phong (Hòa Bình) và Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên) mà cây chanh đào đã nhanh chóng phủ xanh đất trống ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Bắc Giang, rồi cả Thanh Hóa, Nghệ An.
Khi cung vượt quá cầu, giá chanh giảm là điều không tránh khỏi. Từ mấy chục nghìn, nay còn vài nghìn đồng/kg. Điều đáng lo ngại hơn là do giá rẻ, nhiều nhà vườn đã rục rịch phá bỏ chanh. Gia đình bà Nguyễn Chấn ở xóm Tháu, phường Thái Thịnh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình năm 2016 đã phá đi 3.000 cây chanh đào.
Không riêng gì cây chanh đào, hiện nay, phong trào trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi... ở nhiều nơi cũng đang tăng theo cấp số nhân. Vùng nào cũng san gạt đất đồi, cải tạo đất hoang để trồng cây ăn quả. Sau vài năm, sản lượng bưởi, cam, quýt bỗng tăng đột biến. Hoa quả lại theo mùa khiến bà con không lúc nào hết vật lộn với bài toán đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cảnh báo: Có nhiều nguyên nhân chanh đào xuống giá, trong đó có nguyên nhân do chín đồng loạt, nhiều người bán mà nhu cầu thị trường đã bão hòa. Để tránh những rủi ro được mùa, mất giá, được mùa không biết bán cho ai, các địa phương cần có giải pháp đồng bộ, dài hơi và nhất là đầu ra thị trường nếu không “vết xe đổ” từ cây chanh đào đối với các loại cây khác là điều khó tránh khỏi.
DOÃN KIÊN