Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chàng trai dân tộc Mông làm giàu trên vùng đất "chó ăn đá gà ăn sỏi"

PV - 17:35, 07/10/2021

Chàng thanh niên dân tộc Mông Giàng A Dạy, sinh năm 1993, bản Rừng Thông (xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã và đang dần đánh thức vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” bằng cách ứng dụng công nghệ Israel trong trồng trọt, chăn nuôi.

Mô hình nuôi bò thịt ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La) của anh Giàng A Dạy. Ảnh: Tuệ Linh
Mô hình nuôi bò thịt ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La) của anh Giàng A Dạy. Ảnh: Tuệ Linh

Vay 27 triệu mua vé máy bay, visa đi Israel

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn. Năm 2011, anh Dạy thi đỗ vào Trường Đại học Tây Bắc, với chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

Trong thời gian học tập tại trường, anh Dạy là sinh viên năng nổ, tích cực học tập rèn luyện. Nhờ vậy anh đã được kết nạp đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Năm 2015, anh Dạy tham gia đăng ký và được tuyển chọn là một trong 5 sinh viên của Trường Đại học Tây Bắc tham gia chương trình liên kết tu nghiệp sinh tại Israel theo thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Tây Bắc và Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp và Xây dựng OLECO (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Đây là chương trình học bổng mở nên chi phí đi sang Israel do bản thân tự túc. Để được sang đất nước Israel học tập và làm việc, anh Dạy đã phải tỉ tê mãi mới thuyết phục bố mẹ vay mượn số tiền 27 triệu đồng để mua vé máy bay và làm visa.

Trao đổi với chúng tôi, anh Dạy chia sẻ: Đặt chân đến một trong những đất nước có nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất thế giới như Israel, tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ.

Ban đầu, tôi được vào làm việc tại các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu là nhà lưới, nhà kính. Tại đây, tôi được các chủ trang trại hướng dẫn, dạy cách điều khiển các loại máy tưới tự động và được trả tiền công lao động, với hơn một triệu tiền Việt mỗi ngày.

Để giúp bò dễ tiêu hoá, anh Dạy dùng máy cắt cỏ voi cho đàn bò. Ảnh: Mùa Xuân.
Để giúp bò dễ tiêu hoá, anh Dạy dùng máy cắt cỏ voi cho đàn bò. Ảnh: Mùa Xuân.

Thời gian làm việc đúng 8 tiếng/ngày. Một tuần có 5 ngày để anh Dạy thực hành trong các trang trại và có một ngày để lên giảng đường học lý thuyết.

Trong quá trình vừa học, vừa làm trong các trang trại ươm cây giống và chăn nuôi bò, gặp cái gì khó khăn, không hiểu, anh hỏi các kỹ sư, chủ trang trại nên rất dễ vào và hiệu quả.

Quyết tâm đánh thức vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi"

Năm 2016, sau khi về nước, bằng những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã được trang bị tại Israel, anh Dạy bắt tay ngay vào công việc làm vườn.

Với số tiền gần 100 triệu đồng tiết kiệm được trong thời gian ở Israel cộng số tiền của gia đình, anh Dạy đầu tư vườn ươm giống rau và trồng rau hữu cơ trên diện tích hơn 4.000 m2.

Tuy nhiên, sau vài năm trồng rau, nhận thấy đầu ra không ổn định, thiếu nước tưới vào mùa khô nên anh Dạy tính hướng chuyển sang ngành nghề khác phù hợp với thực tế.

Năm 2019, sau khi anh Dạy tham gia thi dự án phát triển chuỗi trang trại bò thịt tại các thung lũng dành cho cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm từ ban tổ chức và các doanh nghiệp. Từ đó, anh bỏ rau và chuyển sang trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi bò thịt.

Năm 2020, anh Dạy nhập 10 con bò cái và 2 con bò đực Lai Sind ở tỉnh Vĩnh Phúc về nuôi, với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Hiện đàn bò đang sinh trưởng và phát triển tốt và đã đẻ được thêm 4 con bê.

Bật mí thêm với chúng tôi, anh Dạy tiết lộ: Rừng thông là vùng đất khô cằn, thiếu nước nên rất khó trồng rau. Tuy nhiên, nơi đây lại thích hợp trồng cỏ voi, nuôi bò. Vì vậy, tôi đã đăng ký ý tưởng "Phát triển chuỗi trang trại bò thịt tại các thung lũng ở bản Rừng Thông".

Gần 1 năm làm việc và học tập tại Israel, ngoài việc học được kiến thức, kinh nghiệm trồng rau, anh Dạy đã được các kỹ sư, bạn học và chủ trang trại trang bị thêm quy trình kỹ thuật tiên tiến nhất trong nuôi bò.

Đàn bò lai Sind của anh Dạy đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Mùa Xuân.
Đàn bò lai Sind của anh Dạy đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Mùa Xuân.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, anh Dạy mạnh dạn chuyển đổi diện tích ngô sang trồng 5.000 m2 cỏ VA06; trồng 2.000 cây chuối rừng.

"Thời gian tới, tôi sẽ ứng dụng công nghệ ủ thức ăn chua bằng chế phẩm men vi sinh giúp tăng dinh dưỡng cho đàn bò; đồng thời chủ động nguồn thức ăn vào mùa đông", anh Dạy nói.

Mục tiêu sắp tới của anh Dạy là phát triển đàn bò lên trên 100 con; xây dựng lò mổ, tạo ra sản phẩm thịt bò khô đóng gói chân không, có mã QR truy xuất nguồn gốc và quy trình sản xuất.

Bên cạnh đó, anh xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm bằng cách cho du khách dắt bò đi ăn cỏ, cày đất, check in; trồng hoa 2 bên đường từ nhà lên trang trại.

Một góc bản Rừng Thông. Ảnh: Tuệ Linh.
Một góc bản Rừng Thông. Ảnh: Tuệ Linh.

Không chỉ có vậy, cuối năm 2018, anh Dạy đã vận động các đoàn viên thanh niên trong bản đứng lên thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xanh Amo, với 43 thành viên; do anh làm giám đốc.

Đến nay, diện tích sản xuất của HTX rộng 35 ha, gồm: Nhãn, xoài, bưởi, mận hậu, chuối, thanh long, cây dược liệu; chăn nuôi 60 con bò và 300 con gà.

Anh Dạy cho biết thêm: Việc thành lập HTX đã giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất của đồng bào người dân tộc.

Từ phương thức tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, các thanh niên người Mông tại bản Rừng Thông đã biết chuyển đổi diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá, bằng cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Anh Dạy luôn đau đáu khi phải chứng kiến cảnh tượng hàng trăm, hàng nghìn thanh niên ở Tây Bắc rời nơi "chôn rau cắt rốn" về các tỉnh, thành phố lớn làm thuê. Trong khi đó, đất đai ở quê rộng lớn chưa có người đánh thức, thừa tiềm năng để làm giàu, nâng cao thu nhập.

Là một người từng trải nghiệm ở đất nước có nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất thế giới như Israel, anh Dạy quả quyết: Israel toàn sa mạc với cát.

Họ khó khăn hơn mình rất nhiều mà tại sao vẫn bứt phá trở thành nước có nền nông nghiệp hiện đại như bây giờ. Tôi nghĩ cái cốt lõi là phải chịu khó học hỏi, dám thay đổi. Vì vậy, tôi mong muốn xây dựng một chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất và chăn nuôi để giúp bà con cải thiện đời sống.

Chia tay anh Dạy khi những lớp mây mù buổi sáng bên trên đỉnh núi đang dần bị xua tan bởi ánh nắng bình minh, chúng tôi tin rằng với sự năng động, hiểu biết và quyết tâm cao, chàng thanh niên người Mông A Dạy sẽ sớm hiện thực hoá giấc mơ giúp bà con đồng bào Mông làm giàu ngay trên chính mảnh đất mình sinh ra.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.