Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chàng ca sĩ dân tộc Tày đầu tư 1 tỷ đồng làm MV dài gần 1 tiếng

PV - 10:43, 20/07/2021

Cách đây 5 năm, Mai Trần Lâm từng là từ khóa gây “sốt” cộng đồng mạng, được mọi người yếu mến đặt cho nick-name “giọng ca triệu view”. Bỗng chốc nổi như cồn chỉ sau một đêm, chàng trai dân tộc Tày cũng không khỏi bất ngờ.

Chàng ca sĩ dân tộc Tày đầu tư 1 tỷ đồng làm MV dài gần 1 tiếng

Nhắc lại thì sự nổi tiếng này bắt nguồn từ việc Mai Trần Lâm chia sẻ clip ghi lại ca khúc “Câu chuyện đầu năm” mà anh ngẫu hứng hát trong lần về thăm trường cũ. Giọng hát nhẹ như hơi thở, mộc mạc mà giàu cảm xúc đã chạm đến trái tim người yêu nhạc Bolero. Rất nhanh sau đó, anh nhận được hàng chục nghìn yêu cầu kết bạn và theo dõi trên mạng xã hội. Không lâu sau, Mai Trần Lâm ghi danh thử sức ở một sân chơi nhạc Bolero song phải dừng chân trước vòng chung kết. Cũng nhờ lần mạnh dạn đem giọng hát đi thi này mà Mai Trần Lâm có đủ tự tin bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp và nhanh chóng nhận được lời mời biểu diễn khắp trong Nam ngoài Bắc. Đặc biệt, không chỉ khán giả mà nhiều ngôi sao ca nhạc như Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Đan Trường…cũng ngỏ ý muốn giúp đỡ anh.

Ngày Mai Trần Lâm ra đĩa nhạc đầu tiên “Lá thư đô thị” vào năm 2016, nhiều Mạnh Thường Quân giấu tên gửi từ nước ngoài về vài trăm USD chỉ để mua 2-3 chiếc CD, có khán giả còn bỏ ra vài chục triệu đồng để đặt mua 200 đĩa mà anh cứ ngơ ngẩn thắc mắckhông biết họ mua nhiều thế để làm gì. Album này cũng là một sự kiện đáng nhớ trong thị trường âm nhạc khi bán hết 3.000 đĩa trong một thời gian ngắn. Mai Trần Lâm tiết lộ, anh đã mua được một căn chung cư nhỏ ở Hà Nội từ tiền bán album đầu tay.

Ít ai biết trước khi trở thành một giọng hát “hái” ra tiền, Mai Trần Lâm từng kinh qua đủ mọi công việc lao động chân tay để mưu sinh. Nam ca sĩ tâm sự, chính cuộc đời nhiều vất vả, lăn lộn đã giúp anh có được sự trải nghiệm, cảm xúc khi hát, mà điều này dòng nhạc Bolero rất cần. Chàng ca sĩ dân tộc Tày kể, anh sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã vùng cao Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, quen với công việc đồng áng, chăn trâu từ khi còn rất nhỏ. Học hành chuyên cần, sáng dạ nhưng học hết cấp 3 thì anh tự xin bố mẹ cho mình nghỉ học để vào Nam đi làm kiếm tiền đỡ đần gia đình. Nhớ lại, Mai Trần Lâm bảo, ngày đó nhà anh rất nghèo, bố mẹ cố gắng lắm mới đủ sức nuôi cậu con trai lớn theo học ngành Y, thế nên anh hiểu nếu mình có học lên Đại học thì chỉ thêm gánh nặng cho gia đình. Anh đi theo mấy người trong làng vào Nam làm công nhân với mong muốn mỗi tháng có vài ba trăm gửi về đỡ bố mẹ.

Chàng trai cao có 1,6m, nặng 43kg, gầy gò, đen nhẻm bắt đầu bằng công việc làm phụ hồ kiếm cơm, đi đập đá thuê, bán kem que, đến làm công nhân ở các khu công nghiệp. Nhớ lại, anh vẫn không sao quên được nhiều hôm đi đập đá, mảnh vỡ bắn vào chân, vừa đau vì chân chảy máu nhiều, anh lại vừa chảy nước mắt vì tủi thân. Để có tiền gửi về cho gia đình, mỗi sáng ăn chỉ dám ăn 500 đồng bánh mỳ hoặc xôi, trưa ăn ở công ty, chiều xin tăng cả để vừa có tiền làm thêm vừa được ăn cơm. Hôm nào không tăng ca thì ăn gói mỳ tôm qua bữa.

Đầu tắt mặt tối là thế nhưng mỗi khi có đêm nhạc ở gần, anh lại bỏ tiền mua vé đi xem, giá vé thường là 10-15 nghìn đồng, nếu có ngôi sao thì 25 nghìn đồng. Một lần, trong đêm nhạc có Đan Trường, đang hát thì “anh Bo” hỏi khán giả ai thuộc bài này mời lên hát cùng. Mai Trần Lâm lấy hết dũng khí lên sân khấu song ca cùng thần tượng. Tiếng vỗ tay vang dội của khán giả sau đó đã mang đến cho chàng công nhân một cảm xúc anh chưa từng có trong đời, nhen nhóm trong anh mơ ước, khát khao một ngày nào đó được đứng trên sân khấu kia trong vai trò ca sĩ. Thế rồi ban ngày đi làm công nhân, tối về anh làm bồi bàn, xin đi hát ở các quán cà phê với cát-sê mỗi đêm 10 nghìn đồng. Dần dần tăng lên 15 nghìn, 20 nghìn, 25 nghìn… Hơn 4 năm sau, anh mới thôi không làm công nhân nữa, vừa đi hát vừa làm phòng thu, cho thuê loa đài, mở ảnh viện áo cưới.

Sau 7 năm lăn lộn ở Sài thành, Mai Trần Lâm quyết định thi Đại học. Dù nhiều năm trời không động đến sách vở, nhưng những kiến thức ngày học phổ thông anh vẫn còn nhớ như in, anh đã tập trung ôn luyện và kết quả anh đã thi đỗ cùng lúc 2 trường. Ngày nhận giấy báo nhập học Đại học Văn hóa Hà Nội, anh phải đấu tranh rất nhiều với chính mình. Những năm tháng lăn lộn, bôn ba ở miền Nam đã cho anh công việc mang lại thu nhập tốt, mỗi tháng 20-30 triệu đồng, một con số không hề nhỏ vào năm 2010. Chọn ra Hà Nội học Đại học, nghĩa là anh phải bắt đầu từ con số 0…Song đến bây giờ nhìn lại, Mai Trần Lâm tâm sự, anh thấy lựa chọn của mình là sáng suốt. Nhờ đi học, tư duy của anh được mở ra rất nhiều. Cũng vì thế, sau khi lấy bằng cử nhân, anh lại tiếp tục học lên Thạc sĩ.

Mới đây sau nhiều năm âm thầm gắn bó với âm nhạc, Mai Trần Lâm quyết định trở lại bằng sản phẩm mới – MV ca nhạc có tựa đề “Yêu một mình”. MV này được chàng ca sĩ dân tộc Tày làm theo hơi hướng một bộ phim ca nhạc, song có lẽ là bộ phim ca nhạc dài nhất từ trước đến nay mà một nghệ sĩ Việt Nam từng làm bởi có thời lượng lên tới gần 1 tiếng. Phim xoay quanh câu chuyện tình yêu của một chàng trai nghèo, hiền lành. Anh dành cho bạn gái tình cảm mộc mạc, chân thành và vô cùng hạnh phúc khi đưa cô về quê giới thiệu với cha mẹ. Tuy nhiên, cô gái lại là một “ẩn số” khi luôn né tránh nhắc về gia đình mình. Thì ra, cô là con của một trùm xã hội đen. Khi biết sự thật và bị gia đình người yêu đe dọa, chàng trai rơi vào sự giằng xé về việc có tiếp tục mối quan hệ hay không. Cuối cùng, tình yêu đã chiến thắng tất cả.

Chàng ca sĩ dân tộc Tày đầu tư 1 tỷ đồng làm MV dài gần 1 tiếng 1


Trong phim, Mai Trần Lâm vào vai chàng trai nghèo tình cảm. Bên cạnh những hình ảnh lãng mạn, những phân cảnh xúc động, ấm áp tình người, “Yêu một mình” còn có rất nhiều pha hành động hấp dẫn cũng như những tình tiết, đối thoại hài hước. Điều quan trọng hơn nữa là yếu tố hành động trong phim được xây dựng sạch sẽ, văn minh, không câu khách kiểu “giang hồ mạng” và phần hài cũng rất duyên dáng, thú vị. Trên nền câu chuyện đầy hấp dẫn và kịch tính, Mai Trần Lâm thể hiện 3 ca khúc Bolero quen thuộc: “Về quê ngoại”, “Yêu một mình”, “Nếu hai đứa mình”.

Với “Yêu một mình”, Mai Trần Lâm cũng trở thành ca sĩ tiên phong trong việc thực hiện một bộ phim ca nhạc Bolero gắn với hành động. Để thực hiện bộ phim này, nam ca sĩ tiết lộ, anh đã đầu tư kinh phí lên tới hơn 1 tỉ đồng. Đây là con số khiến cả nhiều ngôi sao còn phải dè dặt, nhất là trong bối cảnh thị trường âm nhạc bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19. Bản thân Mai Trần Lâm tâm sự, cả năm qua anh đi diễn cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày chứ không có tích lũy, nhưng vẫn quyết tâm làm một sản phẩm nghệ thuật chỉn chu và mới lạ.

Cũng theo Mai Trần Lâm, anh đã ấp ủ dự án này suốt nhiều năm, gom góp tiền từ việc đi hát, kinh doanh phòng thu, rồi vay mượn bạn bè, người thân. Với anh, việc thực hiện sản phẩm nghiêm túc, chất lượng là một cách trân trọng đáp lại tình cảm của khán giả, đồng nghiệp đã yêu mến mình. Nhiều năm qua, anh đã làm những MV không có nội dung, chủ yếu là để chia sẻ giọng hát. Nhưng giờ đây, với yêu cầu ngày càng cao của khán giả, anh muốn đứa con tinh thần của mình phải thật sự khác biệt, đáng giá. Nam ca sĩ thật thà chia sẻ, anh có vay nợ và “nợ như chúa chổm” để làm ra được MV này, đồng thời xác định sau này sẽ phải đi “cày sô” nhiều hơn để có tiền trả nợ. Dù thế, Mai Trần Lâm nói vui, anh không ngại vất vả vì vốn dĩ sinh ra đã tuổi Sửu, quen cày như trâu từ nhỏ rồi nên khó khăn, cực nhọc nào cũng sẽ nỗ lực hết sức mình để vượt qua./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.