Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chăm lo thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo

PV - 10:37, 27/03/2021

Là địa bàn đặc thù, có nhiều xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và người theo tôn giáo, Đảng bộ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình luôn xem việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Từ việc tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, đề án quan trọng liên quan đến dân tộc, tôn giáo, tình hình chính trị, kinh tế-xã hội ở vùng ĐBDTTS, đồng bào có đạo ngày càng ổn định và có bước phát triển vững chắc.

 Lãnh đạo huyện Bố Trạch thăm, tặng quà động viên các đơn vị trường học và lực lượng biên phòng trên địa bàn xã Thượng Trạch.
Lãnh đạo huyện Bố Trạch thăm, tặng quà động viên các đơn vị trường học và lực lượng biên phòng trên địa bàn xã Thượng Trạch.

Huyện Bố Trạch có 4 xã, thị trấn có ĐBDTTS (trong đó có 2 xã miền núi rẻo cao là Tân Trạch và Thượng Trạch) và 8 xã có đồng bào theo tôn giáo (trong đó, Thiên chúa giáo chiếm trên 15% và Phật giáo chiếm 0,37% dân số toàn huyện). Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, những năm qua, Đảng bộ huyện Bố Trạch đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm các xã vùng có đạo, ĐBDTTS.

Nhờ đó, tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, đời sống ĐBDTTS, đồng bào có đạo ngày càng được nâng lên; nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý về công tác tôn giáo được cải thiện rõ nét.

Đồng chí Lê Công Toán, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch nhấn mạnh: “Trong xử lý những vấn đề liên quan đến tôn giáo, các cấp ủy đảng, chính quyền đã vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương để tạo điều kiện, giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng về sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật của đồng bào.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động phát triển đoàn viên, hội viên và tăng cường xây dựng lực lượng cốt cán cho phong trào quần chúng ở các địa phương có ĐBDTTS và người theo tôn giáo.

Các chương trình, dự án, đề án vùng ĐBDTTS được cả hệ thống chính trị huyện tập trung triển khai đã dần thay đổi tư duy, nhận thức về các tập tục, hủ tục lạc hậu, chăn nuôi, trồng trọt theo lối truyền thống của bà con. Đến nay, bà con đã đổi mới căn bản, toàn diện về phương thức sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh để tập trung phát triển kinh tế, tiến tới xoá đói, giảm nghèo bền vững”.

Đề án phát triển kinh tế-xã hội 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch là “điểm nhấn” trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng bộ huyện Bố Trạch nhiệm kỳ qua. Nói về hiệu quả mang lại của đề án, đồng chí Hà Vĩnh Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ: “Nhờ huy động tổng lực của cả hệ thống chính trị huyện trong quá trình triển khai thực hiện đề án nên đến nay, tình hình kinh tế-xã hội của 2 xã đã có sự khởi sắc, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Đời sống của đồng bào có sự đổi thay cả về vật chất lẫn tinh thần, nhiều hộ gia đình đã có ý thức phát triển kinh tế hộ từ chăn nuôi và trồng rừng, có "của ăn, của để".

Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của 2 xã giảm 2-3%. ĐBDTTS đã có nếp sống tiến bộ hơn, quan tâm hơn đến việc học tập của con em, có ý thức chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn 2 xã ngày càng được hoàn thiện, đầy đủ, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương trao đổi hàng hoá. Dự án thiết lập hệ thống truyền dẫn và mạng truy nhập băng rộng cố định tại 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch hoàn thành, đưa internet về với bản làng được xem là một bước ngoặt lớn trong thực hiện chính sách dân tộc của huyện Bố Trạch”.

Qua tìm hiểu được biết, hệ thống chính trị 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch được kiện toàn từ cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Đến nay, xã Thượng Trạch có 22 chi bộ Đảng, Tân Trạch có 4 chi bộ; trong đó, 20/20 bản đều có tổ chức đảng và 6 chi bộ cơ quan, trường học. Riêng xã Thượng Trạch, đảng viên là cán bộ, công chức được phân công về từng bản tham gia sinh hoạt.

Năm 2017, Chi bộ xã Tân Trạch được nâng lên thành đảng bộ, tăng thêm 1 chức danh phó bí thư đảng bộ, góp phần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền 2 xã được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên; đội ngũ cán bộ, công chức được biên chế đầy đủ theo quy định.

Trao đổi về các mục tiêu, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ chăm lo cho ĐBDTTS và đồng bào theo tôn giáo, đồng chí Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Lê Công Toán cho hay: “Đảng bộ huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thông chính trị, nhất là đối với cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Theo đó, chú trọng công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh ở vùng dân tộc, vùng có đạo, không để “trắng” tổ chức đảng. Bằng việc lồng ghép nhiều giải pháp, Đảng bộ huyện sẽ nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là con em ĐBDTTS, đồng bào có đạo; có chính sách thỏa đáng đối với cán bộ công tác ở vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn và xây dựng chính sách ưu đãi với những người có uy tín trong ĐBDTTS.

Huyện sẽ tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất bổ sung những chính sách đầu tư sát hợp đối với vùng ĐBDTTS, đồng bào các tôn giáo; tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ từ huyện đến cơ sở để bảo đảm các nguồn vốn đầu tư thực sự phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, theo kịp với tiến trình đổi mới của tỉnh.

Cả hệ thống chính trị của huyện sẽ tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ đội ngũ già làng, chức sắc, chức việc, đội ngũ cốt cán vùng ĐBDTTS, vùng có đồng bào theo đạo để xây dựng khối đoàn kết toàn dân; chủ động phát hiện, ngăn chặn hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương”. /.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.