Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Cáy man mọ” - món ăn đãi khách quý của đồng bào Thái Sơn La

Hoàng Liên - 12:32, 24/06/2021

Sơn La được du khách biết đến là vùng đất nhiều cảnh đẹp, con người thân thiện, hiếu khách, có ẩm thực độc đáo của các dân tộc. Trong văn hóa ẩm thực, đồng bào Thái Sơn La có món “Cáy man mọ” (tức là gà mái non hấp) đòi hỏi sự cầu kỳ, khéo léo của người chế biến.

Nguyên liệu và gia vị chế biến món
Nguyên liệu và gia vị chế biến món "Cáy man mọ”

Một trong những hình thức chế biến món ăn ngon của đồng bào Thái là món “mọ”, tức là sản phẩm tẩm ướp gia vị đem hấp cách thủy với bột gạo nếp. Với trí tưởng tượng, tính ước lượng và tính sáng tạo tuyệt vời, người Thái có thể chế biến “mọ” từ tất cả các sản phẩm rau, củ, quả, song hấp dẫn nhất vẫn là món “Cáy man mọ” (tức là gà mái non hấp) đòi hỏi sự cầu kỳ, khéo léo tài hoa từ người chế biến.

Món “Cáy man mọ” (gà mái non hấp)
Món “Cáy man mọ” (gà mái non hấp) của đồng bào Thái Sơn La

Gà để làm món “mọ” phải là gà mái đẻ trứng lứa đầu tiên, béo, nặng tầm trên 1 kg. Gà mổ thịt, làm sạch, để ráo nước, đem chặt thành miếng vừa tầm ăn rồi ướp với muối và gia vị. Đối với ẩm thực của người Thái, gia vị là yếu tố quan trọng tạo nên nét đặc sắc riêng biệt trong ẩm thực, họ có khả năng ước lượng chuẩn xác trong việc pha trộn gia vị giữa các loại đắng, chua, cay, ngọt, mặn… để tạo cho món ăn có hương vị lạ mà hấp dẫn. Riêng món “Cáy man mọ” được gia giảm bởi rất nhiều loại gia vị, rau măng, hoa lá khác nhau như: rau thơm rừng, ớt, gừng, sả, mắc khén (hạt tiêu rừng), mầm măng cây sa nhân, hoa chuối rừng, nõn măng ngọt, rau cải non và thứ không thể thiếu là bột gạo nếp. Các loại rau, măng, gia vị đem thái nhỏ; bột gạo hòa sền sệt với nước, tất cả đem trộn đều với thịt gà cho thật ngấm. Dùng lá dong hoặc lá chuối rừng để gói thịt gà thành từng “chúc” (tức là đùm), buộc lạt dẻo ở đầu “chúc” rồi đem đồ xôi. Chõ xôi bốc hơi đều chừng một giờ đồng hồ, khi mùi thơm lan tỏa ngào ngạt là được.

Món ăn cáy mon mọ thơm nức mùi gia vị, sóng sánh chút lớp mỡ vàng óng, ngầy ngậy của thịt gà mái non
Món ăn "cáy mon mọ" thơm nức mùi gia vị, sóng sánh chút lớp mỡ vàng óng, ngầy ngậy của thịt gà mái non

Khách quý tới nhà ăn cơm, bao giờ chủ nhà cũng mời khách quý miếng thịt gà “mọ” đầu tiên để tỏ lòng quý trọng. Món gà “mọ” tỏa hương thơm nức mùi gia vị, sóng sánh chút lớp mỡ vàng óng, ngầy ngậy của thịt gà mái non, tất cả quyện với mùi bột nếp tan thơm dẻo ngọt đầu mùa gặt. Khi thưởng thức ta mới thấy hết được tấm lòng thơm thảo, tính cần cù nhẫn nại và bàn tay khéo léo tài hoa của người làm ra nó.

Trước kia, món “Cáy man mọ” thường chỉ để đãi khách quý tới thăm nhà. Từ khi nào chẳng rõ, món ăn này đã đi vào những bữa cơm hằng ngày của các bà nội trợ người Thái và không thể thiếu trong thực đơn các nhà hàng Tây Bắc khi phục vụ du khách gần xa.



Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.