Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cây cu li trước nguy cơ tận diệt

PV - 12:48, 30/01/2018

Thời gian gần đây tại địa bàn các huyện Mường Chà, Mường Nhé (Điện Biên), Điện Biên Đông, người dân đổ xô vào rừng tìm kiếm, khai thác bán cho thương lái. Việc khai thác cây cu li theo kiểu tận diệt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái rừng và nguồn dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt.

Tận diệt cây cu li

Trên địa bàn huyện Điện Biên, trước đây đã từng xuất hiện nhiều địa điểm thu mua cây cu li, một trong những cơ sở lớn tại xã Thanh An là của bà Bùi Thị N. Trong nhà bà N lúc nào cũng có hàng chục tấn lông cu li. Theo tìm hiểu, bà N đã thuê lại bãi đất trên 1 nghìn mét vuông của người dân để làm cơ sở thu mua lông cu li. Trung bình mỗi ngày cơ sở này thu mua từ 10-20 tạ lông cu li do người dân từ các xã trong huyện Điện Biên, Mường Nhé và Điện Biên Đông bán, với giá trung bình từ 2-3 nghìn đồng/kg.

Một bãi thu mua cây cu li. Một bãi thu mua cây cu li.

 

Sau khi sơ chế, phơi khô, Bà N bán cho thương lái đến thu mua tận nơi với giá 8 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi năm bà N thu mua trên dưới 50 tấn cu li, bán cho thương lái, tuy nhiên bản thân bà cũng như các điểm thu mua trong vùng không biết đơn vị nào thu mua và mua về để làm gì?

Dọc theo Quốc lộ 12 từ xã Mường Mươn đến thị trấn Mường Chà, cũng có tới 3 cơ sở thu mua, bãi phơi cây cu li đã qua sơ chế nằm ngay ven đường. Qua tìm hiểu tại cơ sở thu mua QH của ông Vũ Văn Q tại thị trấn Mường Chà, được biết cơ sở này đứng ra thu mua theo sự ủy quyền của chủ rừng ở xã Ma Thì Hồ. Trung bình mỗi ngày, cơ sở thu mua từ 1-2 tấn cu li, với giá 2 nghìn đồng/kg. Mỗi năm cơ sở của ông Q thu mua cả trăm tấn cu li, sau khi sơ chế, phơi khô sẽ có thương lái đến tận nơi thu mua.

Một người dân chuyên khai thác cây cu li ở xã Huổi Xuân, xã Na Sang cho biết: Vào thời gian nông nhàn, tôi mới lên rừng để tìm kiếm cây cu li. Mỗi ngày, tôi có thể kiếm được 1 tạ cu li, với giá bán 2 nghìn đồng/kg được 200 nghìn đồng. Gần đây, người dân khai thác nhiều nên cây cu li ít dần, phải vào sâu trong rừng mới có.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng Ninh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Điện Biên thì lông cu li (tên y học là kim mao cẩu tích) là cây dược liệu quý trong đông y, có tác dụng chữa nhiều bệnh liên quan tới thận, xương, khớp, chống viêm, đau nhức... Nhưng đa số, người dân không hiểu tác dụng của nó. Họ chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt từ việc bán dược liệu, nên khai thác kiểu tận diệt, dẫn đến khan hiếm và cạn kiệt nguồn dược liệu quý.

Ảnh hưởng tới hệ sinh thái

Theo cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, những thân củ to phải được khai thác sâu trong rừng. Do cây nằm trên mặt đất nên việc khai thác đã tác động xấu vào thảm thực vật, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái của rừng. Hiện nay, cây cu li trên địa bàn nhiều xã trong huyện Điện Biên đang ngày một khan hiếm.

Ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, cho biết: Căn cứ theo Thông tư 21 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản, hiện nay toàn huyện chỉ có các chủ rừng trên địa bàn xã Ma Thì Hồ, xã Hừa Ngài và thị trấn Mường Chà là được phép khai thác cây cu li. Còn đối với rừng sản xuất ở xã Ma Thì Hồ và thị trấn Mường Chà thì chính quyền địa phương đủ thẩm quyền cấp phép khai thác cây cu li cho các chủ rừng; còn đối với rừng phòng hộ thuộc xã Hừa Ngài thuộc thẩm quyền của UBND huyện cấp phép khai thác.

Cây cu li là lâm sản thuộc nhóm IIA, không nằm trong danh mục lâm sản quý hiếm, không cấm khai thác, người dân thường tự ý khai thác bán cho thương lái nên rất khó xử lý. Ngoài ra, do địa bàn khá rộng gây không ít khó khăn trong việc kiểm soát người dân vào rừng khai thác cây cu li.

Ông Toàn bày tỏ lo lắng: Nếu người dân ồ ạt kéo nhau vào rừng khai thác cu li sẽ khiến rừng bị phá, hệ sinh thái rừng bị đe dọa, nhiều loài cây dược liệu quý có nguy cơ bị tận diệt. Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm cũng chỉ tuyên truyền giúp bà con nâng cao ý thức bảo vệ rừng, gìn giữ nguồn dược liệu quý mà thôi.

Trước mắt, nhằm hạn chế tình trạng người dân khai thác ồ ạt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cùng chính quyền địa phương thông báo các chủ rừng ngừng hoạt động khai thác cây cu li, nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần sớm đưa cây cu li vào danh mục cấm khai thác. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán cây cu li để không làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng và bảo vệ nguồn dược liệu quý trước nguy cơ bị cạn kiệt.

Nếu người dân ồ ạt kéo nhau vào rừng khai thác cu li sẽ khiến rừng bị phá, hệ sinh thái rừng bị đe dọa, nhiều loài cây dược liệu quý có nguy cơ bị tận diệt. Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm cũng chỉ tuyên truyền giúp bà con nâng cao ý thức bảo vệ rừng, gìn giữ nguồn dược liệu quý mà thôi”. Ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà

DOÃN KIÊN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.