Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Câu chuyện nhân văn từ ngôi trường ở Bát Xát

Trọng Bảo - 15:09, 20/11/2020

Ở huyện Bát Xát (Lào Cai) có một ngôi trường Mầm non mà nơi đây, các cô giáo đang làm những việc khá “đặc biệt”, đó là suốt 2 năm nay, trong ngôi trường có 5 em học sinh DTTS từ điểm trường lẻ được các cô giáo chuyển về ở hẳn trong trường. Để các em được học tập, chăm sóc, ăn uống đầy đủ, các cô giáo đã phải trích lương đóng góp và phân công nhau chăm nuôi, dạy dỗ các em. Những hành động, tình cảm cao đẹp của các cô giáo, đang viết tiếp những câu chuyện nhân văn, ý nghĩa về sự nghiệp " trồng người" nơi vùng cao biên giới.

Lớp học tại trường Mầm non Trịnh Tường
Lớp học tại trường Mầm non Trịnh Tường

Thôn Tùng Chỉn 2, xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát) cách trung tâm xã hơn 10km, cả thôn chỉ có 05 học sinh trong độ tuổi mầm non. Mở lớp tại thôn thì không đủ học sinh, để các em được đi học đúng độ tuổi các thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà, vận động phụ huynh đồng ý cho con em mình ra điểm trường chính học.

“Đưa các con ra trường chính chắc chắn môi trường học tập tốt hơn, nhưng các cô cũng phải hy sinh nhiều hơn. Chúng tôi biết điều đó và luôn ghi nhận, chia sẻ cũng như thường xuyên động viên các cô vượt qua những khó khăn bằng việc kêu gọi xã hội hoá, ủng hộ quần áo để cho bữa cơm của các con thêm đủ đầy”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bát Xát.

“Trước đây, ở Tùng Chỉn 2 cũng có điểm trường mầm non, nhưng thời gian gần đây, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình trong bản cũng chỉ sinh 1-2 con, điểm trường không thể duy trì, giáo viên phải ưu tiên tăng cường cho điểm khác”, cô Trần Thị Diệu Linh, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Trịnh Tường cho biết.

Cũng theo cô Linh, với chế độ của Nhà nước thì tại trường Mầm non Trịnh Tường, các con được hưởng chế độ bán trú - hỗ trợ ăn trưa tại trường, riêng 05 em ở Tùng Chỉn 2 do nhà ở xa nên ăn, ngủ tại trường.

“Chúng tôi tổ chức bán trú từ thứ 2 đến thứ 6; thứ 7 và chủ nhật thì bố mẹ sẽ xuống đón con về nhà; thứ 2 các con lại xuống trường. Sau giờ học, khi các học sinh khác về hết, các cô giáo lại phân công nhau ở lại chăm sóc nhóm học sinh xa nhà, cô nào cũng coi chúng như con, chẳng nề hà bất cứ điều gì”.

Do điều kiện nhà xa trường học nên 05 học sinh của Tùng Chỉn 2 được bố trí ăn, ngủ tại trường. Các em rất vui vẻ hòa đồng, tiến bộ rất nhanh, nhất là tiếng phổ thông. Do Nhà nước chỉ hỗ trợ ăn trưa, trong khi 05 trẻ ở lại trường cả tuần nên phần ăn sáng, ăn tối, quà vặt và quần áo các cô phải chung tay mỗi người một ít.

“Các thầy cô thì cũng tuỳ tâm hỗ trợ, hỗ trợ 10 đến 20 nghìn tuỳ theo điều kiện của mỗi người. Dù còn khó khăn nhưng nhà trường cũng cố gắng lo cho các con bữa cơm đủ chất dinh dưỡng, mặc đủ ấm mỗi khi trời trở rét”, cô Linh chia sẻ.

Các cô thay cha mẹ chăm sóc những học sinh nội trú trong trường
Các cô thay cha mẹ chăm sóc những học sinh nội trú trong trường

Ban đầu, khi để các con ở hẳn trong trường, các bậc phụ huynh cũng còn băn khoăn lắm, do con còn nhỏ lại phải xa bố mẹ. Tuy nhiên, mỗi lần đón con về nhà nghỉ cuối tuần, thấy con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn thì phụ huynh cũng dần yên tâm.

“Được các cô giáo thương như con, chăm sóc từ bữa  ăn đến giấc ngủ nên gia đình cũng yên tâm nhiều rồi. Ở nhà bố mẹ không có điều kiện, thời gian chăm sóc, ngày đi làm tối mới về, một ngày thì tối mới cùng các con ở nhà thôi”, anh Lý Láo Lở, phụ huynh em Lý Tràng Tìn tâm sự.

Có thể thấy, những lớp mầm non “nội trú” đặc biệt như ở Trịnh Tường và còn rất nhiều mô hình khác trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ở rất nhiều vùng, nhiều địa phương vùng khó khăn trên địa bàn cả nước xuất hiện trong những năm qua, đã và đang góp phần tích cực nâng tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp của xã đạt 100% - điều không dễ dàng đối với giáo dục vùng cao.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.