Làm người trẻ thán phục
Thầy Mai Xuân Mùi (62 tuổi), hội viên Hội Nghệ sĩ múa TP. Đà Nẵng nguyên là Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi TP. Đà Nẵng vừa được mời đến lớp Tập huấn nghiệp vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Phước do Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bình Phước phối hợp tổ chức tại Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh (diễn ra trong 3 ngày 14 - 16/11).
Được biết, 3 năm trước, hình ảnh thầy Mùi hài hước nhảy múa cùng các bạn trẻ trong Video “Đàn gà con” (khi thầy dạy múa cho lớp Tổng phụ trách Đội Cao đẳng Sư phạm Huế) từng gây “bão mạng” với hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ. Một số Clip khác ghi lại hình ảnh thầy Mùi dạy múa cũng đã được hàng trăm nghìn cư dân mạng xem và chia sẻ.
Hơn 60 tuổi, nhưng thầy vẫn đeo khăn quàng đỏ, dạy múa cho các em thiếu nhi và cộng đồng Tổng phụ trách Đội ở TP. Đà Nẵng cùng các tỉnh, thành lân cận. Tại lớp Tập huấn, khi dạy 8 bài múa, hát đồng diễn sân trường, thầy yêu cầu mọi người phải vui tươi, hồn nhiên để những điệu múa trở nên uyển chuyển. Theo thầy, dạy múa là truyền “lửa” bằng nhiệt tâm và trách nhiệm.
Qua đó, biệt tài múa rất dẻo và điêu luyện của người thầy U60 này đã “hớp hồn” tất cả các học viên. Lòng nhiệt huyết với nghề cùng sự gần gũi, tận tâm với học viên của thầy Mùi khiến nhiều thầy, cô Tổng Phụ trách Đội tham gia tập huấn yêu quý và nể phục.
Ngoài ra, thầy Mùi đã hướng dẫn cặn kẽ cách thiết kế Phút truyền thống về Bác Hồ và Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh để khi quay về trường, các giáo viên Tổng Phụ trách Đội có thể tổ chức hiệu quả trong những ngày chủ điểm của Đội.
Trao truyền niềm say mê sáng tạo
Với niềm đam mê đã ngấm vào máu, thầy Mùi dồn nhiều tâm lực, thường xuyên sáng tác những bài múa tập thể cho thiếu nhi. Là tác giả của khoảng 100 bài múa cho thiếu nhi, mỗi năm, thầy đều sáng tác ít nhất một điệu múa tập thể theo từng chủ đề riêng biệt.
Tại lớp Tập huấn, thầy cho biết, không hề đơn giản để “thai nghén” nên những điệu múa hay. Phải tìm tòi, trải nghiệm rồi đúc kết và sáng tác. Thầy từng nhờ người ở vùng Tây Bắc hướng dẫn điệu múa địa phương rồi về nhà, mở nhạc của dân tộc hay vùng đất đó để sáng tác bài múa.
Để tạo nên điệu múa xòe Thái, thầy phải tìm xem thông tin trên Internet và lặn lội đến tận nơi dân tộc này sinh sống để quan sát từng động tác vung tay, phất quạt, tung nón khi họ múa. Ngoài ra, thầy Mùi chuyên viết các kịch bản sân khấu hóa vào những ngày lễ kỷ niệm của Đoàn - Đội.
Trước đây, thầy Mùi rất bận rộn công việc ở Cung Thiếu nhi TP. Đà Nẵng nhưng luôn tranh thủ tập huấn cho các tổ chức Đoàn - Đội ở các nơi vào cuối tuần. Nhiều lúc, chỉ cần nhận được điện thoại là dù trong giờ nghỉ, thầy vẫn đi xuống cơ sở, chỉ bảo nhiệt tình cho không ít Tổng Phụ trách Đội đang “căng mình” đương đầu với những khó khăn trong công việc.
Đồng hành cùng thầy Mùi trong dịp tập huấn năm nay, anh Lê Anh Quân, Phó Trưởng ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn đã nêu bật lên những điểm mấu chốt trong hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội và Chương trình rèn luyện đội viên gắn với triển khai các phong trào lớn, trọng tâm của công tác Đội sát với tình hình thực tế của tỉnh Bình Phước và những lưu ý khi triển khai hướng dẫn thực hành Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Lê Thị Hồng Phấn, Tổng Phụ trách Đội là nghề vất vả, nhiều thiệt thòi. Tuy vậy, lực lượng Tổng Phụ trách Đội trên toàn tỉnh vẫn luôn cố gắng mỗi ngày để vững bước hơn với nghề.